Những mạch máu sắp nổ tung
Theo bố mẹ đến công tác dài hạn tại tỉnh Long An, một ngày nọ, em C.Y.F (13 tuổi, người Đài Loan) bất ngờ đau đầu, nôn ói, rồi hôn mê sâu. Nhận thấy sức khỏe con trai nguy kịch, gia đình quyết định đưa em F. đến bệnh viện. Trong lúc nguy cấp, người bố chợt nhớ đến Bệnh viện FV (TP.HCM) - nơi được nhiều phụ huynh trong lớp em F. lựa chọn. Không chần chừ, gia đình quyết định đưa em F. từ Long An lên bệnh viện này cấp cứu.
Kết quả chụp CT sọ não cho thấy não em F. bị phù và có máu tụ lớn trong não, não thất do bị vỡ túi phình mạch não và một khối dị dạng do phình mạch não, tỷ lệ tử vong gần như 100%. “Với trường hợp em F., phẫu thuật hay không phẫu thuật thì tỷ lệ tử vong đều gần 100%. Bên cạnh đó, những túi phình mạch máu và khối dị dạng phình mạch não của bệnh nhân như sắp nổ tung. Nếu vỡ, bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên bàn mổ” - bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh và can thiệp thần kinh nội mạch - Bệnh viện FV, người phẫu thuật cho em F. cho biết.
Trước giải thích của bác sĩ, bố mẹ em F. bàng hoàng tột độ vì các thế hệ gia đình chưa từng có ai mắc bệnh này. Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại vào ngày 26.10 (có hỗ trợ của thông dịch viên), chị Amy (mẹ em F.) nhớ lại: “Bác sĩ nói nếu con tôi không mổ thì chắc chắn sẽ tử vong, còn mổ thì cơ hội sống vẫn rất thấp. Không còn lựa chọn nào khác, chồng tôi quyết định đồng ý để bác sĩ thực hiện ca mổ với hy vọng còn nước còn tát”.
Ngay sau đó, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa và lãnh đạo bệnh viện diễn ra trong 5 phút. Các bác sĩ khẩn trương bước vào phòng mổ với quyết tâm mãnh liệt sẽ cứu sống được bệnh nhân. “Quyết định phẫu thuật là thách thức lớn đối với ê kíp nhưng chúng tôi không còn cách nào khác để cứu sống bệnh nhân” - bác sĩ Hùng nói.
1 phút “vàng” và 3 ca mổ thần tốc
Khi em F. vừa được chuyển đến phòng mổ, bác sĩ Hùng cho biết các dấu hiệu sinh tồn đều ở mức thấp nhất: hôn mê sâu, mất tri giác, đồng tử giãn… Với trực giác và kinh nghiệm 15 năm làm việc, bác sĩ Hùng nhanh tay khoan một lỗ nhỏ ở sọ rồi đặt một ống dẫn lưu để dẫn lưu dịch não tủy và máu tụ trong não thất ra ngoài. Tất cả quy trình này diễn ra chớp nhoáng chỉ trong 1 phút, giúp lấy một phần máu tụ ra ngoài và em F. đã tạm qua cơn “thập tử nhất sinh”. Bác sĩ Hùng cho biết nếu cấp cứu chậm trễ hơn vài phút thì bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.
Tuy nhiên dịch não vẫn chưa diễn tiến hoàn toàn theo mong muốn nên 2 ngày sau đó bác sĩ Hùng đã làm thêm một lần thủ thuật dẫn lưu dịch não tủy. Và đợi đến khi ổn định, em F. bước vào ca phẫu thuật thứ 3 để điều trị phình mạch não. Lần phẫu thuật này không khẩn cấp như 2 lần trước nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, chuẩn xác trong từng thao tác. Đầu tiên, bác sĩ Hùng thực hiện mở hộp sọ để tiếp cận não và các mạch máu để bộc lộ trước động mạch cảnh trong, dự phòng trường hợp xuất huyết trong lúc mổ.
Sau đó, khối dị dạng và túi phình được nhận diện, bác sĩ đã phân tách, kẹp, đốt và cắt bỏ hoàn toàn các nhánh mạch máu nuôi khối dị dạng và bóc tách một cách cẩn thận khỏi mô não xung quanh. Sau cùng, bác sĩ tái tạo mạch não và đặt lại sọ. Sau 4 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật hoàn thành. “Mọi thao tác, kỹ thuật đều phải thực hiện chuẩn xác. Chỉ cần để xảy ra một chút sai sót là không còn hi vọng cứu sống bệnh nhân” - bác sĩ Hùng nói.
Tỉnh dậy sau phẫu thuật, em F. bắt đầu nhận thức được trở lại. Trong vòng 20 ngày nằm viện, kết hợp với tập vật lý trị liệu, em F. đã dần hồi phục, cử động được tay chân, giao tiếp tốt với mọi người. Đến hiện tại, dù đã xuất viện và trở về Đài Loan nhưng em F. vẫn thường xuyên chủ động liên lạc với bác sĩ Hùng. Hiện em F. khỏe mạnh như bạn bè trang lứa, trí nhớ dần hồi phục. Nhìn em, khó ai nghĩ em từng trải qua cơn thập tử nhất sinh.
“Tôi rất hạnh phúc khi bệnh nhân vẫn tin tưởng và nhớ đến mình. Đây không chỉ là mối quan hệ giữa bệnh nhân - bác sĩ mà như những người trong gia đình” - bác sĩ Hùng chia sẻ cảm giác hạnh phúc khi kể về ca mổ đáng nhớ.
Bình luận (0)