Phẫu thuật thành công phình động mạch chủ ngực bằng kỹ thuật Hybrid

02/05/2019 07:30 GMT+7

Sau khi ngủ trưa, một bệnh nhân lớn tuổi đột ngột đau lưng, đau ngực dữ dội kéo dài khoảng 15 phút; nhờ được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân đã thoát khỏi do bị phình quai động mạch chủ ngực kích thước hơn 7 cm, dọa vỡ.

Đơn vị Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận ông P.C.Kh. (60 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) nhập viện cấp cứu ngày 2.4 trong tình trạng tăng huyết áp, đau nhiều ở vùng sau cột sống, không thể nằm hay ngồi. Qua thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ những triệu chứng trên có thể là do tiền sử bệnh phình động mạch chủ (ĐMC) ngực gây ra.
Người nhà bệnh nhân cho biết cách đây 2 năm, ông Kh. đã từng khám, can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng và phát hiện khối phình ĐMC ở ngực, tuy nhiên kích thước khoảng 5 cm nên các bác sĩ khuyên chỉ cần theo dõi định kỳ. Từ đó đến nay, ông Kh. vẫn khỏe mạnh, ăn uống và tập thể dục điều độ, cho đến ngày khởi bệnh đột ngột, người nhà đã vội vã đưa ông vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cấp cứu. Kết quả chụp CT ngực cho thấy khối phình ở quai ĐMC ngực đã tiến triển và tăng lên hơn 7 cm.
Hình ảnh chụp CT cho thấy kích thước phần quai ĐMC ngực bị phình
Hình ảnh chụp CT cho thấy kích thước phần quai ĐMC ngực bị phình Ảnh: Phú Thành
Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định nếu không mổ thì khối phình có nguy cơ vỡ, người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng. Tuy nhiên, với vị trí phát bệnh ở quai ĐMC, nơi quan trọng nhất có các nhánh cung cấp ô xy và chất dinh dưỡng cho não bộ cũng là nơi khó khăn nhất trong việc phẫu thuật, thì cơ hội sống của người bệnh rất ít nếu áp dụng kỹ thuật phẫu thuật kinh điển thay quai ĐMC vào lúc này. Do đó, kỹ thuật Hybrid (vừa phẫu thuật, vừa can thiệp đặt stent graft) là lựa chọn tối ưu đã được ứng dụng thành công với sự phối hợp của các bác sĩ Đơn vị Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cùng chuyên gia đến từ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM.
Hình ảnh stent được đặt vào vùng ngực người bệnh - Ảnh: Phú Thành
Hình ảnh stent được đặt vào vùng ngực người bệnh Ảnh: Phú Thành
Hiện tại, ông P.C.Kh. đã tỉnh táo, da niêm mạc hồng, sức khỏe ổn định, không khó thở và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhân B.C.Kh. đang được theo dõi tại Đơn vị Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
Bệnh nhân B.C.Kh. đang được theo dõi tại Đơn vị Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng Ảnh: Phú Thành

Kỹ thuật hiện đại Hybrid

ĐMC ngực gồm ĐMC ngực lên, quai ĐMC, ĐMC ngực xuống. Phình ĐMC ngực là bệnh lý nguy hiểm, là tình trạng thành ĐMC thoái hóa, yếu đi và phình to ra. Triệu chứng của bệnh lý này tùy thuộc vào kích thước của khối phình, nếu khối phình to có thể chèn vào thực quản gây tắc nghẽn, chèn ép vào khí quản gây khó thở... Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng, gây nguy cơ tử vong cao. Trong đó, phình quai ĐMC ngực là bệnh lý hiếm gặp và khó điều trị nhất so với phình ĐMC ngực lên và phình ĐMC ngực xuống.
Trước đây, để điều trị phình quai ĐMC ngực, các bác sĩ thường thực hiện phẫu thuật thay quai ĐMC bị phình, dưới tuần hoàn ngoài cơ thể, tuy nhiên tỷ lệ tử vong khá cao (trên 50%). Hiện nay, kỹ thuật Hybrid được xem là phương pháp hiện đại, vừa phẫu thuật bắc cầu nối ĐMC - động mạch cảnh, vừa can thiệp mạch để đặt được stent graft bịt khối phình quai ĐMC và được ứng dụng tại các bệnh viện lớn, đầu ngành. Với kỹ thuật Hybrid hiện đại, tỷ lệ tai biến đã giảm, người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe hơn, nhất là những người cao tuổi.
Để ngăn chứng phình ĐMC, người bệnh cần kiểm soát huyết áp ổn định, không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục và nên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.