Phe cực hữu sẽ quyết định kết quả bầu cử tổng thống Pháp

23/04/2012 13:50 GMT+7

(TNO) Báo chí châu u dự đoán ông Nicolas Sarkozy sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi về nhì tại vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 23.4, song ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen sẽ quyết định người chiến thắng tại vòng 2 vào ngày 6.5.

(TNO) Báo chí châu u dự đoán ông Nicolas Sarkozy sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến trụ lại điện Elysee sau khi về nhì tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 23.4, song ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen sẽ quyết định người chiến thắng tại vòng 2 vào ngày 6.5.

Ông Francois Hollande đã dẫn đầu tại vòng 1 với 28,6% số phiếu, trong khi tổng thống đương nhiệm Sarkozy chỉ kiếm được 27,1%, còn bà Le Pen lập kỷ lục phiếu bầu cho đảng Mặt trận Dân tộc với 18%, theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp sau khi 99% số phiếu được kiểm.

Tờ báo cánh tả của Ý La Repubblica cảnh báo vẫn còn quá sớm để ông Hollande có thể ăn mừng, một quan điểm được tờ La Stampa tán đồng khi nhấn mạnh rằng “rõ ràng chúng ta phải chờ đến vòng 2 vào ngày 6.5”.

“Đây là một thất bại nhức nhối cho Sarkozy, người mà số phận đang nằm trong tay toàn bộ cử tri của Marine Le Pen ở vòng 2”, phóng viên của tờ Corriere della Sera tại Paris bình luận.


  Ứng cử viên của đảng Mặt trận Dân tộc, bà Marine Le Pen - Ảnh: AFP

Với 18% số phiếu, bà Le Pen đã lập được thành tích mà cha bà và là người sáng lập đảng Mặt trận Dân tộc, Jean-Marie Le Pen, chưa bao giờ đạt được, theo AFP.

Tờ báo Anh theo chủ nghĩa tự do The Guardian nói màn trình diễn của bà Le Pen gây choáng váng, nhận xét bà có thể là “kẻ buôn vua” tại vòng 2.

“Kết quả đáng ngạc nhiên không chỉ phản ánh cách Marine xâm nhập vào bối cảnh chính trị Pháp… mà còn cả sự vỡ mộng sâu sắc với các đảng phái chính”, tờ báo ở Anh viết.

Tờ báo cánh hữu Telegraph lặp lại ý tưởng về tâm trạng vỡ mộng ngày càng gia tăng với nền chính trị chính thống.

”Nổi tiếng nồng nhiệt với chính trị, người Pháp đã chăm chú theo dõi chiến dịch tranh cử, song hết sức thờ ơ với các ứng cử viên chính”, Telegraph viết.

Tờ Daily Mail đã đăng một bức hình đệ nhất phu nhân Carla Bruni trên trang nhất với chữ “bẽ bàng”, mặc dù nói rằng chồng bà vẫn có thể ở lại điện Elysee tùy thuộc vào việc các cử tri cực hữu sẽ dồn phiếu cho ai.

Tại Tây Ban Nha, tờ báo trung tả El Pais viết: “Hollande mang lại hy vọng cho chủ nghĩa xã hội bằng cách đánh bại Sarkozy”, trong khi tờ trung hữu El Mundo nhận xét: “Nước Pháp muốn có một tổng thống thuộc đảng Xã hội”.

Tại Bỉ, tờ Le Soir thuyết phục rằng ngay cả sự ủng hộ của bà Le Pen sẽ không đủ để cứu lấy chiếc ghế của ông Sarkozy, khẳng định ông Hollande “đã đặt một chân vào điện Elysee”.

Tờ báo Đan Mạch Politiken cũng có cùng kết luận, lập luận rằng ông Hollande có được sự ủng hộ của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon, người giành được 11,7%.

“Francois Hollande có thể thu gom sự ủng hộ lớn cho cánh tả, song tổng thống sẽ có nhiệm vụ cam go khi thuyết phục những người bỏ phiếu cho Marine Le Pen ủng hộ ông”, tờ báo viết.

Tại Bồ Đào Nha, tờ Publico chạy tít: “Với Hollande, thay đổi đã bắt đầu” và nhận xét: “Vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp có ý nghĩa kép: Sarkozy là ứng cử viên đang ra đi và Francois Hollande là ứng cử viên của tất thảy những người muốn sang trang”.


 Ông Nicolas Sarkozy và Francois Hollande sẽ đối mặt vào ngày 6.5 - Ảnh: AFP

 
Báo chí Đức bình luận sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho những người như Le Pen và Melenchon phản ánh tâm trạng giận dữ của các cử tri.

“Người Pháp thất vọng với tình hình đất nước và giận giữ với Tổng thống Nicolas Sarkozy”, tờ Der Spiegel viết.

Trong bài tường thuật về cuộc bầu cử ở Pháp, tờ New York Times nhận xét vòng 1 “không đưa ra câu trả lời rõ ràng về số phận ông Sarkozy hoặc đường hướng cho một cường quốc châu u trong thời đại khủng hoảng nợ, tăng trưởng chậm và tỉ lệ thất nghiệp cao”.

Tờ báo cũng cho biết ông Sarkozy không thể thu được tất cả số phiếu dành cho bà Marine Le Pen ở vòng 1, viện dẫn đến phát biểu của các nhà quan sát rằng khoảng 20% cử tri ủng hộ đảng Mặt trận Dân tộc sẽ bỏ phiếu trắng.

Trong khi đó, bà Le Pen phát biểu với những người ủng hộ rằng: “Trận chiến nước Pháp chỉ mới bắt đầu”.

Bà Le Pen tuyên bố làn sóng ủng hộ dành cho bà đã làm chao đảo hệ thống chính trị đồng thuận chính thống, bà nói: “Chúng ta hiện là lực lượng đối lập thực thụ duy nhất”.

Theo Reuters, nữ chính trị gia 43 tuổi này tiết lộ bà sẽ đưa ra quan điểm về vòng 2 cuộc bầu cử tại cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5 ở Paris.

Sơn Duân

>> Bầu cử tổng thống Pháp: Hollande, Sarkozy vào vòng 2
>> Lá phiếu của sự thay đổi
>> Ông Sarkozy và ông Hollande sẽ tranh luận trên truyền hình?
>> Trước giờ bầu cử tổng thống Pháp vòng 1: Các ứng cử viên "tĩnh lặng
>> Cử tri của ông Sarkozy ít sex hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.