Trong khi đó, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) được dự báo sẽ giành vị trí thứ hai với 23,8%. CDU và AfD cũng đang bám đuổi sít sao tại tiểu bang lân cận Saxony trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 32% và 31,5%. Không có thành viên nào trong liên minh cầm quyền của Đức gồm đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh - lọt vào ba vị trí dẫn đầu ở cả hai bang nói trên.
Phản ứng với kết quả trên, lãnh đạo AfD Alice Weidel mô tả kết quả này là thất bại cho liên minh của Thủ tướng Scholz và kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử ở Đức. Về phần mình, ông Scholz bày tỏ: "Kết quả của AfD ở Saxony và Thuringia rất đáng lo ngại. Đất nước chúng ta không thể và không được phép quen với điều này. AfD đang gây tổn hại cho nước Đức. Họ đang làm suy yếu nền kinh tế, chia rẽ xã hội và hủy hoại danh tiếng của đất nước chúng ta".
Giới quan sát đánh giá cho đến nay không có đảng nào tuyên bố sẽ đồng ý liên minh với AfD. Điều này sẽ khiến cho đảng này khó có thể thành lập được chính quyền khu vực ở bất kỳ bang nào. Nhìn chung, kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này sẽ không gây ra nhiều xáo trộn cho chính trường Đức, song nó cũng đánh dấu lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang ở nước này kể từ Thế chiến 2. Theo Reuters, kết quả không tốt đối với liên minh của Thủ tướng Scholz có thể khơi dậy thêm mâu thuẫn trong nội bộ khi cả ba đảng đều tìm cách khẳng định lại bản sắc của mình trước cuộc bầu cử toàn quốc vào năm tới.
Thế lực cực hữu mới nổi lên trong Nghị viện châu Âu
Sự kiện vừa qua ở Đức diễn ra trong bối cảnh làn sóng cực hữu đang lan rộng tại châu Âu. Nghị viện châu Âu gần đây chứng kiến sự khai sinh của nhóm liên minh cực hữu 7 nước hay còn gọi là "Những người yêu nước vì châu Âu" do Thủ tướng Hungary Viktor Orban dẫn đầu. Nhóm này tập hợp các đảng cực hữu đến từ Hungary, Bỉ, Áo, Bồ Đào Nha, CH Czech, Tây Ban Nha và Hà Lan.
Ở cấp độ quốc gia, Phần Lan, Thụy Điển, Ý và Croatia, phe cực hữu là một phần của liên minh cầm quyền. Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 28.8 cũng bày tỏ lo ngại về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các nhóm cực hữu tại Anh và các nước châu Âu khác, đồng thời kêu gọi các đảng phái chính trị trên khắp châu Âu cùng nhau hợp tác để giải quyết thách thức chung.
Bình luận (0)