Nội dung trên vừa được Tổng cục Hải quan hướng dẫn cho một số hải quan địa phương trong cách tính thuế với phế liệu, phế phẩm nhập được chuyển tiêu thụ nội địa.
Theo phản ánh của Cục Hải quan Thanh Hóa, Đồng Nai, theo quy định tại điều 10 Nghị định 134/2016 do Chính phủ ban hành, phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng từng nguyên liệu, vật tư thực nhập theo hợp đồng gia công sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa. Song doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường cho cơ quan hải quan nếu có.
Tuy nhiên, tại điều 64 Thông tư 38/2015 do Bộ Tài chính ban hành, quy định với nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển mục đích sử dụng nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật về thuế. Theo thắc mắc của hải quan hai địa phương nói trên, với phế liệu, phế phẩm khi chuyển tiêu thụ nội địa đều được miễn thuế nhập khẩu hay phải đáp ứng điều kiện không quá 3% tổng lượng từng nguyên liệu, vật tư thực nhập theo hợp đồng gia công mới được miễn thuế nhập?
Hướng dẫn vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng, theo quy định tại Nghị định 134/2016 thì phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng từng nguyên liệu, vật tư thực nhập theo hợp đồng gia công chuyển tiêu thụ nội địa thì được miễn thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan. Theo đó, doanh nghiệp cần phải khai trên tờ khai hải quan với số phế liệu phế phẩm này như hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.
Bình luận (0)