Phế tích Châu Thành có dấu ấn của 3 nền văn hóa: Champa, Ấn Độ, Trung Hoa

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
18/08/2022 14:38 GMT+7

Qua 3 lần khai quật phế tích Châu Thành (ở Bình Định ), các nhà khảo cổ nhận định khu vực này từng là đền hoặc tháp Chăm, được xây dựng trong 2 giai đoạn, từ thế kỷ thứ 4 - 6 và thế kỷ 13.

Ngày 18.8, Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Châu Thành (ở khu vực Châu Thành, P.Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định). Đây là khu phế tích có vị trí quan trọng, nằm trong vùng lõi di sản văn hóa Champa tại Bình Định.

Lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Bình Định trao đổi về các hiện vật phát hiện tại phế tích Châu Thành

Năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật tại phế tích Châu Thành, kết quả phát hiện được mặt bằng hoàn chỉnh kiến trúc đền thờ “đá thiêng". Năm 2021, hai đơn vị này tiếp tục khai quật phế tích Châu Thành lần thứ hai, kết quả xuất lộ tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, phát triển liên tục từ sớm đến muộn, trải qua nhiều sự thay đổi về kiến trúc và tính chất.

Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục khai quật lần thứ ba tại phế tích Châu Thành nhằm làm rõ mặt bằng kiến trúc xuất lộ từ 2 lần khai quật trước, qua đó nhận thức rõ hơn về tính chất, giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này trong dòng chảy lịch sử.

Mảnh bia ký được phát hiện tại phế tích Châu Thành

hoàng trọng

Hố khai quật trong đợt 3 rộng 200 m2, kết quả phát hiện rất nhiều vật liệu kiến trúc (đồ đất nung, đồ đá) và các di vật liên quan. Về vật liệu kiến trúc đồ đất nung có hơn 9.300 di vật là gạch (17 loại gạch khác nhau), 29 đầu ngói ống (đầu ngói trang trí mặt hề và đầu ngói hoa sen), 3.550 hiện vật ngói âm dương và các loại gốm trang trí kiến trúc, gốm trang trí điểm góc… Vật liệu kiến trúc đồ đá có 22 hiện vật đá ong, 1 hiện vật đá trang trí điểm góc.

Những hiện vật liên quan có một mảnh tượng bàn tay (có thể là bàn tay của tượng thờ trong lòng ngôi tháp trước đây) và 1 mảnh bia ký. Trong quá trình khai quật còn phát hiện 9 hiện vật gốm Chăm, 6 hiện vật gốm Việt, đinh sắt, đạn chì…

Đầu ngói ống trang trí hoa sen phát hiện tại phế tích Châu Thành

hoàng trọng

Đầu ngói ống trang trí mặt hề

hoàng trọng

TS Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, thuộc Viện Khảo cổ học (người chủ trì đợt khai quật phế tích Châu Thành lần thứ 3) cho biết, sau khi bóc các lớp đất tại hố này đã xuất lộ kiến trúc nằm dưới lòng đất, bị lấp bởi gạch, ngói đổ xuống. Đoàn khảo cổ nhận định khu vực khai quật tại phế tích Châu Thành làm xuất lộ một phần nền móng của 3 kiến trúc thuộc các giai đoạn khác nhau.

Trong đó có 2 kiến trúc có khả năng là tường bao của 2 giai đoạn khác nhau. Trong kiến trúc của Ấn Độ Giáo, tường bao có chức năng giới hạn không gian thiêng, ngăn cách thế giới các vị thần linh với con người. Từ các tường bao này, đoàn khảo cổ dự đoán về vị trí ngôi đền thờ chính, cũng như quy mô của một công trình tôn giáo tại phế tích Châu Thành, dự đoán được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6.

TS Phạm Văn Triệu phát biểu tại cuộc họp

hoàng trọng

Ngoài 2 tường bao, đợt khai quật còn phát hiện các đoạn nền móng đá ong, kết hợp các di vật như gốm, đá trang trí điểm góc có chức năng trang trí vòm cửa và tháp góc. Từ những kiến trúc này, đoàn khảo cổ cũng đưa ra suy đoán phế tích Châu Thành từng tồn tại kiến trúc tháp có quy mô lớn, dự đoán được xây dựng khoảng thế kỷ 13.

Theo TS Phạm Văn Triệu, các kiến trúc xây dựng tại phế tích Châu Thành được kế thừa từ các đền thờ tín ngưỡng bản địa (thờ đá thiêng). Sự hội nhập của văn hóa Ấn Độ đã hình thành nên các cơ sở tôn giáo có quy mô lớn hơn, bên cạnh đó còn có sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa (thể hiện trên các vật liệu kiến trúc) làm nên nét đặc sắc của văn hóa Champa trong thời kỳ đầu hình thành.

Hiện vật gốm sứ Trung Quốc tại phế tích Châu Thành

hoàng trọng

Hiện vật Champa tại Châu Thành

hoàng trọng

Các đại biểu tham dự buổi báo cáo đều cho rằng kết quả khai quật đã cho thấy phế tích Châu Thành có giá trị về lịch sử văn hóa, đóng góp quan trọng vào việc tìm hiểu lịch sử của vùng đất Bình Định bắt đầu từ khoảng thế kỷ 3 - 4. Do vậy, các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Định cần sớm xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, trước mắt xếp hạng cấp tỉnh để từ đó làm cơ sở pháp lý để tiếp tục bảo vệ, khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích này.

TS Lê Đình Phụng, ủy viên Hội khảo cổ học Việt Nam, phát biểu

hoàng trọng

Từ dấu hiệu xuất lộ di tích tường bao 2 giai đoạn đã cho thấy khu vực trung tâm của phế tích Châu Thành khả năng sẽ có di tích quan trọng, có thể là đền hoặc tháp được xây dựng nhằm phục vụ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, cần thực hiện khai quật mở rộng tiến tới khai quật tổng thể để nghiên cứu tổng thể cụm di tích tháp Chăm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.