Hiếm có làng nào lại quy định rõ ràng về việc dọn thức ăn trong ma chay như làng Mỹ Phú (xã Phong Chương, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế).
Ông Trần Ngọc Đào, thành viên Ban điều hành làng Mỹ Phú, cho biết dân làng chấp hành nghiêm chỉnh quy định đãi khách này hơn 3 năm nay - Ảnh: Tuyết Khoa
|
Quy định dọn món ăn trong đám tang
Hơn 3 năm nay, làng Mỹ Phú có quy định được cho là lạ lùng và khác lạ khiến không ít người ngạc nhiên. Ngoài những quy định chung về ma chay theo quy ước, phong tục, văn hóa và pháp luật thì lệ làng Mỹ Phú có thêm quy định dọn món ăn trong đám tang.
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, làng đã ra quy định chỉ được dọn một suất ăn nhẹ cho người đi đưa đám trước khi di quan. Người đi đưa đám thường là người trong làng xóm, trong họ tộc. Sau khi đưa đám xong, ai về nhà nấy, không còn đến ăn bữa cơm đáp lễ của tang gia như trước đây. Đặc biệt hơn, suất ăn nhẹ này còn được quy định rõ ràng và cụ thể gồm món bún hoặc món xôi thịt.
Lý giải về điều này, ông Trần Ngọc Đào, thành viên Ban điều hành làng Mỹ Phú, cho rằng nhiều năm nay, tình trạng tang lễ được tổ chức linh đình và lãng phí diễn ra rầm rộ. Nhiều đám tang, chi phí dọn tiệc cho làng sau tang lễ lên đến vài chục triệu đồng. Việc này khiến nhiều nhà không có điều kiện, ngoài việc phải chịu nỗi đau khi người thân ra đi, còn thêm áp lực tổ chức bữa cơm cho làng rất tốn kém. Đó là chưa kể, sau đám tang, việc dọn tiệc, uống bia, ăn nói ồn ào đôi khi gây phản cảm vì gia đình đang tang thương. Không ít người trong làng phản ứng cho rằng điều này không hợp với thuần phong mỹ tục, gây lãng phí và không cần thiết.
Không chỉ làng có quy định món, họ tộc cũng có quy định rành mạch về việc này. Quy định này nhiều năm nay được dân làng Mỹ Phú chấp hành nghiêm chỉnh. Làng Mỹ Phú có 6 họ, 4 phái. Mỗi họ, mỗi phái chọn một trong hai món gồm bún và xôi thịt để dọn làng. Nếu họ tộc đã chọn xôi thịt thì tất cả người trong họ đều dọn xôi thịt. Chẳng hạn, họ Trần chọn món xôi thịt thì tất cả các đám tang thuộc họ Trần đều dọn xôi thịt. Họ Nguyễn chọn món bún thì không có gia đình nào thuộc họ Nguyễn được dọn món xôi thịt...
“Món bún là món ăn nổi tiếng, được xem là đặc sản xứ Huế. Nên việc đưa món bún vào hoàn toàn hợp lý. Món xôi thịt tức là món xôi ăn kèm với thịt heo luộc. Món này vốn được xem là cổ phiến trong văn hóa của người Việt. Cổ phiến được hiểu nôm na là mâm cỗ đơn giản. Món xôi thịt được làm từ nguyên liệu làng quê, có sẵn, phù hợp điều kiện nhiều người. Xôi chỉ cần hong chín. Heo chỉ cần luộc chấm nước mắm. Vì thế làng cùng các họ tộc đã chọn hai món này dùng để dọn làng”, ông Đào nói.
Ăn cũng phải đúng nơi, đúng chỗ
Theo cụ Nguyễn Thị Bê (80 tuổi, trú tại xóm Bến), việc này đã được người dân nhất trí. Người dân nào muốn dọn cơm thịnh soạn, làng cũng không ăn. “Năm trước, nhà xóm bên thuộc loại khá giả trong làng, có ma chay tổ chức rất to. Đưa đám xong, làm cơm thịnh soạn đãi cả làng như lời cảm ơn. Nhưng người làng không có ai ăn, vì theo quy định đưa đám xong là ai về nhà nấy. Tình làng nghĩa xóm, người ta đến đưa tang, khiêng đám chứ không phải vì miếng ăn. Ăn cũng phải đúng nơi, đúng chốn...”, cụ Bê nói.
Mặc dù không có văn bản rõ ràng hay hình phạt cụ thể nếu vi phạm việc này song dân làng Mỹ Phú vẫn đồng tình và tuân thủ hơn 3 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tin (49 tuổi) cho biết: “Thông thường, các đám tang đưa vào buổi sáng sớm, nên việc dọn bữa nhẹ trùng với bữa sáng. Hồi trước nhà tôi có tang lễ, họ tôi là họ Nguyễn nên dọn món bún cho xóm làng trước khi di quan. Sợ chỉ có bún, thanh niên sẽ không no bụng nên chúng tôi chủ động dọn thêm mỗi người một ổ bánh mì nhưng không ai dám ăn. Ông trưởng họ nói rằng, họ tộc và làng đã có quy định, tiêu chuẩn chỉ được một tô bún thì giờ có thêm gì cũng không được ăn. Một ổ bánh mì chứ một nửa, thậm chí một miếng bánh mì cũng đã phá lệ của làng, của họ...”.
Hiện nay, quy định về món ăn đang được thực hiện vào những ngày lễ làng như thu tế, lễ đầu năm, cuối năm... Người làng Mỹ Phú không còn tiệc tùng linh đình mà chỉ mổ heo, hong xôi để dọn làng. Người làng cùng tập trung lại mổ heo, nấu xôi. Heo do người làng nuôi. Xôi được nấu từ nếp làng trồng. Tất cả đều đơn giản nhưng ấm cúng, mang đậm văn hóa làng quê.
Theo ông Trần Thừa, Trưởng thôn Mỹ Phú, quy định việc tổ chức đám tiệc tiết kiệm, không linh đình hoàn toàn phù hợp với thuần phong mỹ tục. Quy ước của làng gồm 7 chương 26 điều. Điều thứ 11 đã ghi rõ về những quy định trong việc tổ chức ma chay. Làng luôn khuyến khích tổ chức đúng nghi lễ của làng, tránh lãng phí, không tổ chức ăn uống linh đình. Vì thế, làng phải làm gương, lệ làng phải tuân, quy định thì không được phá lệ...
Bình luận (0)