TNO

Phi công lái F-16 tính đâm vào máy bay bị không tặc vụ 11.9

11/09/2016 19:48 GMT+7

(Tin Nóng) Thiếu tướng không quân Mỹ Marc Sasseville cùng đồng đội vào ngày định mệnh 11.9.2001 đã cất cánh chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Đâm máy bay F-16 vào chiếc máy bay bị không tặc đang bay về thủ đô Washington.

(Tin Nóng) Thiếu tướng không quân Mỹ Marc Sasseville cùng đồng đội vào ngày định mệnh 11.9.2001 đã cất cánh chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Đâm máy bay F-16 vào chiếc máy bay bị không tặc đang bay về thủ đô Washington.

Trung tá không quân Marc Sasseville bên chiếc F-16 của ông ở căn cứ Andrews, bang Maryland – Ảnh: FB Marc Sasseville

Theo People ngày 9.9, sáng 11.9.2001, Sasseville (khi đó là trung tá không quân) cùng đồng đội thuộc Phi đội chiến đấu cơ F-16 số 121 tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland bàng hoàng trước tin dữ: Một máy bay hành khách bị không tặc khống chế và đâm vào toà tháp đôi ở thành phố New York.

Ban đầu họ tưởng đó là vụ tai nạn hàng không, nhưng sau khi nghe tin thêm chiếc máy bay thứ hai đâm vào toà tháp đôi, Sasseville cùng đồng đội quyết định hành động.

Lúc đó thêm chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc và các phi công ở căn cứ Andrews được biết có chiếc máy bay hành khách thứ 4, chuyến bay 93 đang bay về thủ đô Washington.

"Người ta không biết chuyến bay 93 đang bay về đâu, nên yêu cầu chúng tôi cất cánh bay tuần tra”, ông Sasseville, nay là thiếu tướng, 53 tuổi, kể với People. 
“Chúng tôi biết các hãng hàng không hiểu rằng có những nơi họ không nên bay tới. Nghĩ đến việc họ bay tới Nhà Trắng hay Toà nhà Quốc hội hay Đài tưởng niệm ở thủ đô Washington thì thật là thảm khốc”, ông Sasseville nhớ lại.

Và ông cùng đồng đội là nữ phi công Heather "Lucky" Penny lái chiến đấu cơ F-16 bay tuần tra trên bầu trời thủ đô.

Cảnh kinh hoàng khi toà tháp đôi WTC bốc cháy lúc bị 2 máy bay đâm vào, sáng 11.9.2001 - Ảnh: Reuters

Vấn đề xảy ra là cả hai chiếc F-16 này khi cất cánh đều không mang theo vũ khí, vì họ cũng thường bay không có vũ khí. Như vậy nếu phải đối đầu với máy bay bị không tặc lao tới thủ đô, thì vũ khí duy nhất của họ là làm như phi công Nhật thời Thế chiến 2: đâm máy bay vào chiếc máy bay chở khách. Đó là cú tấn công cảm tử (Kamikaze).

Ông Sasseville cho hay ông đã trao đổi với đồng đội Penny về hành động khi phải giáp mặt với chuyến bay 93, vì họ chưa từng được huấn luyện để bắn hạ máy bay chở khách. "Chúng tôi bàn thảo cách hạ nhanh chóng chiếc máy bay chở khách, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đâm vào máy bay cùng lúc, tôi đâm vào một bên và Penny đâm vào bên kia".

“Tôi sẽ đâm vào buồng lái”, Sasseville nói.

“Còn tôi sẽ đâm vào đuôi”, nữ phi công Penny đáp.

Trung tá không quân Marc Sasseville nay là thiếu tướng - Ảnh: Không lực Mỹ

Khi Sasseville bay tuần ngang qua Lầu Năm Góc thì thấy cứu hoả đang cứu người và chữa cháy vì bị chiếc máy bay thứ ba bị không tặc khống chế đâm vào. “Thật là cảnh tượng khủng khiếp”, ông Sasseville kể và nói thêm khói bay lên tới buồng lái của ông.

Nhưng khi bay vòng vòng trên không phận thủ đô, trung tá Sasseville nghĩ lại về dự định đâm máy bay vào chiếc máy bay chở khách, chuyến bay 93. “Khó mà dừng được một chiếc máy bay đang bay, do vậy tôi nghĩ lại là có lẽ nên tấn công phần cánh của máy bay để nó không còn bay thêm được nữa, vì vậy chúng tôi quyết định sẽ đâm máy bay mình vào cánh máy bay của chuyến bay 93 nếu nó xuất hiện”.

Vấn đề duy nhất là họ không có ý niệm về việc máy bay bị đâm vào cánh sẽ như thế nào.

Ngoài ra, mối nguy hiểm khác là khi máy bay rơi, có thể nó rơi xuống một trường học hoặc khu vực nào đó.

Tuy nhiên hai phi công này đã không phải có hành động cảm tử khi chiếc máy bay số hiệu chuyến bay 93 đã rơi ở Shanksville, bang Pennsylvania. Người ta sau này cho biết hành khách đã dũng cảm lao vào tấn công bọn không tặc và máy bay đã mất điều khiển, rơi xuống đất.

Một người dân tham khóc bên bức tường tưởng niệm nạn nhân vụ 11.9 ở New York, ngày 11.9.2016 - Ảnh: Reuters

"Những hành khách đó mới là những anh hùng đích thực, họ đã thông tin nhau, cùng phối hợp hành động. Điều đó khiến tôi chảy nước mắt từ đó đến nay mỗi khi nghĩ đến chuyện đó”, thiếu tướng Sasseville nói.

Ngày nay, theo ông Sasseville, Không quân Mỹ luôn có các máy bay tuần tra 24/7 với đầy đủ vũ khí để sẵn sàng đối phó mọi tình huống nếu có sự kiện như vụ 11.9 diễn ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.