Phi công sẽ làm gì khi máy bay hỏng động cơ?

31/05/2015 07:00 GMT+7

(TNO) Tuần trước, động cơ của một máy bay hãng Singapore Airlines bị mất điện khiến máy bay rơi tự do gần 4.000 m. Vậy một phi công sẽ nghĩ về điều gì khi các động cơ của máy bay bị mất nguồn điện mà không có nguyên nhân?

(TNO) Tuần trước, động cơ của một máy bay hãng Singapore Airlines bị mất điện khiến máy bay rơi tự do gần 4.000 m. Vậy một phi công sẽ nghĩ về điều gì khi các động cơ của máy bay bị mất nguồn điện mà không có nguyên nhân?

Nếu động cơ bị hỏng, phi công cần phải lái máy bay và làm mọi thứ để động cơ hoạt động trở lại - Ảnh: Reuters
Hồi tuần trước, hai động cơ của chiếc máy bay Airbus A330-343, chuyến bay số hiệu 836 của hãng Singapore Airlines từ Singapore sang Thượng Hải (Trung Quốc) đã bị mất điện khiến máy bay rơi tự do gần 4.000 m tại khu vực Biển Đông.
May mắn là các phi công đã khởi động lại được nguồn điện của động cơ và chuyến bay đã tiếp tục hành trình. Không có trường hợp bị thương nào được thông báo.
Động cơ phản lực hiện đại là bộ phận kỹ thuật đòi hỏi sự mạnh mẽ và cực kỳ chắc chắn. Sự cố như trong chuyến bay của Singapore Airlines là trường hợp rất hiếm xảy ra.
Phi công Karlene Petitt, người có kinh nghiệm lái máy bay A330 nói rằng trong nhiều năm lái máy bay, bà chưa bao giờ gặp trường hợp hỏng cả 2 động cơ, theo trang tin Business Insider ngày 30.5.
“Những gì tôi nghĩ trong đầu lúc đó là phải lái máy bay và làm mọi thứ có thể để các động cơ hoạt động trở lại. Đó sẽ là điều duy nhất mà tôi nghĩ đến”, bà Petitt nói.
Thông thường trong buồng lái, các phi công được trang bị hệ thống tra cứu các chỉ dẫn cách xử lý khi gặp những tình huống bất ngờ, bao gồm cả việc tất cả động cơ máy bay bị mất điện.
Với độ cao gần 12.000 m như trong trường hợp của máy bay Singapore, không khí ở đó rất loãng và có thể không cung cấp đủ oxy để động cơ hoạt động trở lại.
Tuy nhiên theo bà Petitt: “Thông thường khi bạn hạ thấp độ cao xuống khoảng 24.000 ft (khoảng 7.300 m), bạn có thể khởi động lại động cơ vì không khí ở đó đặc hơn”. Trong trường hợp chuyến bay 836 của Singapore Airlines, chiếc máy bay đã hạ độ cao gần 4.000 m trước khi động cơ máy bay hoạt động trở lại.
Máy bay hãng US Airways hạ cánh xuống sông Hudson ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters
Bà Petitt cho hay bà sẽ chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm nơi hạ cánh khi biết không thể khiến động cơ hoạt động trở lại. Tùy thuộc vào độ cao hoặc khoảng cách của máy bay đến sân bay bao xa mà phi công có thể lựa chọn cách hành động riêng.
Trước đây, các phi công thường chọn nhiều cách khác nhau. Năm 1983, chuyến bay 143 của hãng Air Canada từ Montreal đến Edmontonran bị hết nhiên liệu giữa đường vì tổ kiểm tra ở mặt đất đã tính toán sai lượng nhiên liệu cần thiết cho cả hành trình. Các phi công đã lái chiếc máy bay Boeing 767-200 hai động cơ hạ cánh an toàn như một tàu lượn xuống một đường băng quân sự không còn hoạt động của Canada và được dùng làm trường đua ngựa.
Năm 2001, một máy bay Airbus A330 của Air Transat từ thành phố Toronto (Canada) đến Lisbon (Bồ Đào Nha) đã bị rò rỉ nhiên liệu khi bay qua Đại Tây Dương. Cả thân máy bay bị mất điện, nhưng các phi công đã cho máy bay đáp được xuống một sân bay tại quần đảo Azores trên Đại Tây Dương.
Vụ việc đang chú ý nhất là chuyến bay 1549 của US Airways hỏng cả 2 động cơ sau khi va vào một bầy ngỗng trời khi đang cất cánh từ sân bay La Guardia tại New York (Mỹ) năm 2009. Vì ở độ cao thấp, phi công đã không đủ thời gian để khởi động lại động cơ. Kỳ diệu là sau đó cơ trưởng Sully Sullenberger đã đáp chiếc máy bay Airbus A320 xuống sông Hudson.
Trong những trường hợp này, các phi công đã cho máy bay hạ cánh an toàn và chỉ một số ít người bị thương. Bà Petitt đúc rút: “Các phi công không bao giờ ngừng lái máy bay. Dù vấn đề có là gì đi nữa thì chúng tôi vẫn làm những gì cần thiết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.