(Tin Nóng) Có lẽ phi công lái máy bay do thám U-2 của Mỹ là có nguy cơ cao nhất giữa sự sống và cái chết khi hoạt động ở tầng cao gần rìa không gian, nơi rủi ro có thể xảy đến bất kỳ lúc nào với tính mạng của phi công.
Nghề lái U-2 là nguy hiểm nhất với phi công Không lực Mỹ - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Los Angeles Times ngày 26.8 có bài viết về phi công lái loại máy bay do thám đã hơn 60 năm này, đến nay vẫn còn bay phục vụ việc trinh sát chụp ảnh các điểm nóng trên thế giới.
Thiếu tá không quân David Brill, 36 tuổi, mặc bộ đồ bay đặc biệt màu vàng, như của phi hành gia, cùng chiếc mũ bay đặc biệt chuẩn bị cho một chuyến bay U-2.
Trong 1 giờ, anh ta sẽ cùng chiếc U-2, biểu tượng thời Chiến tranh lạnh, bay lên độ cao 70.000 feet, tức hơn 21 km, gần rìa không gian. Ở độ cao này trở lên chỉ có các phi hành gia trên trạm Không gian ISS là bay cao hơn Brill mà thôi. "Có những khoảnh khắc tôi có thể nhìn thấy mặt trời bên vai trái và mặt trăng bên bên phải của tôi. Ít người có thể có trải nghiệm thế này", Brill nói với phóng viên báo L.A. Times.
Trong thập niên qua, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 7.000 chiếc máy bay không người lái, có chiếc nhỏ như con chim và có chiếc to lớn bằng máy bay hành khách và bay lâu hơn 30 giờ. Các chiếc Global Hawk to lớn sắp tới đây sẽ thay thế đội 33 chiếc U-2 đã hơn 60 năm vẫn còn bay. U-2 sẽ chính thức về hưu từ năm 2018.
Dù đã hết Chiến tranh lạnh, các máy bay U-2 vẫn còn bay nhiều hơn trước. Ngày nay thay vì bay do thám Liên Xô, Brill và gần 200 phi công U-2 khác đang bay phục vụ việc chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Do không có quân Mỹ trên mặt đất ở chiến trường Iraq và Syria, các chỉ huy phải phụ thuộc vào thông tin tình báo từ trên không hơn bao giờ hết. Vào thời điểm cần thiết luôn có 2 chiếc U-2 quần đảo trên các khu vực của quân IS để chụp ảnh căn cứ, thu thập thông tin liên lạc của lực lượng này và chuyển cho liên quân oanh kích.
U-2 vẫn còn bay đến năm 2018 - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Brill từng lái nhiều loại máy bay, và xin lái loại U-2 từ năm 2011. Phần nguy hiểm nhất anh ta cảm nhận được là khi phải mặc bộ đồ giảm áp đặc biệt như của phi hành gia và phải thở bằng bình thở mang theo để bảo đảm lượng ô xy và ni tơ trong máu.
Nếu khoang lái hay bộ đồ của của Brill mất áp suất ở độ cao hơn 21 km, ni tơ trong máu anh ta sẽ sôi bùng lên như bong bóng, gây đau và làm tê liệt hoặc thậm chí tử vong. Trong suốt chuyến bay, phi công dùng một loại thực phẩm gọi là "go-gel," một miếng dán tẩm amphetamine để luôn tỉnh táo.
"Sau một chuyến bay kéo dài 8, 9 hoặc 10 giờ, cơ thể bạn kiệt sức và chỉ muốn bù nước và ngủ", Brill nói.
Từ khi trở thành phi công U-2 vào năm 2012, Brill chỉ bay ba hoặc bốn ngày vì các hạn chế an toàn của Không lực Mỹ. Các sứ mạng mà Brill thực hiện gồm bay qua một số nước và các mục tiêu mà anh ta không thể kể ra.
Nhiều thập niên qua, đã có hơn 30 phi công U-2 thiệt mạng, nhiều người bị suy nhược vì các chứng bệnh giảm áp. Tiến sĩ Stephen McGuire, nhà thần kinh học tại Đại học Texas ở San Antonio, đã nghiên cứu các phi công U-2 trong 5 năm và phát hiện họ bị tổn thương não cao gấp 3 lần so với người thường. Nhưng nghiên cứu của McGuire không thể xác định liệu các phi công có bị tổn thương vĩnh viễn hay không.
Tất cả phi công U-2 đều sống ở căn cứ Beale, cách thành phố Sacramento (California) khoảng 60 km về phía bắc. Ở đây có bảng ghi dòng chữ "Chúng ta tin vào Chúa, còn tất cả các thứ khác chúng ta đều theo dõi".
Máy bay U-2 được biết đến nhiều sau khi chiếc U-2 của phi công Francis Gary Powers bị Liên Xô bắn rơi năm 1960, anh ta bị giam 2 năm sau khi được trao đổi với 1 điệp viên Liên Xô.
Thay thế U-2 hiện nay có các vệ tinh do thám, UAV do thám, nhưng U-2 vẫn còn bay chụp ảnh độ phân giải cao bằng phim hay bằng radar xuyên mây tại các khu vực ở Triều Tiên, Ukraine và các điểm nóng khác. Thông tin tình báo và radar thu thập theo thời gian thực thông qua vệ tinh giúp các nhà phân tích có thể phân biệt xe bọc thép và các khu vực bố trí pháo binh từ các hình ảnh đen trắng của U-2 gửi về.
Một phi công lái xe đi sau một chiếc U-2 đang hạ cánh ở một căn cứ tại khu vực Tây Nam Á. Phi công U-2 cần sự hỗ trợ về thông tin từ phi công trong xe về độ cao và tránh các sai sót khi hạ cánh - Ảnh: Không lực Mỹ
|
|
U-2 với cặp cánh dài quá khổ chuẩn bị cất cánh - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Để đạt đến độ cao ở tầng bình lưu như vậy, máy bay U-2 phải bỏ càng hạ cánh thông thường. Đôi cánh bằng nhôm dài 15 m và cánh đuôi dài 3 m được bắt vít vào thân máy bay chứ không phải gắn liền. Chiếc máy bay này lướt qua vùng không khí loãng thì dễ, nhưng khi gần với mặt đất thì rất khó giữ ổn định. Việc cho máy bay cất và hạ cánh là rất phức tạp, luôn có xe chạy sau để liên lạc với phi công hướng dẫn.
Tương lai phi công U-2 được thay thế bằng phi công điều khiển UAV loại Global Hawk. Các phi công này không phải mặc đồ bay đặc biệt, và chỉ ngồi trong phòng máy lạnh mà điều khiển UAV cách đó nửa vòng trái đất, cũng chẳng lo việc bị bắn hạ.
Buồng lái của Brill là một cửa hàng phục vụ sự tồn tại. Đính vào ghế ngồi - trong trường hợp anh phải thoát khỏi máy bay - là một con dao răng cưa, một cái bè cứu sinh khi thổi lên, ga rô cầm máu, la bàn và máy liên lạc. Phi công U-2 còn có thuốc uống tự tử, nhưng bị hủy dùng vào năm 1960 sau khi một phi công khi bay trên bầu trời Bulgaria đã nhầm nó với 1 ống nước chanh khi nhỏ vào miệng mình, theo một tài liệu đã giải mật của CIA. Sau khi nhận thấy vị lạ, phi công đã nhổ ra trước khi bị trúng độc.
Năm 2014, Không lực Mỹ chỉ huấn luyện đào tạo có 18 phi công U-2 so với 57 phi công điều khiển Global Hawk. Máy bay không người lái chỉ chiếm 50% chi phí của U-2 cho 1 giờ bay.
Đội máy bay U-2 của Mỹ hiện bay khoảng 17.000 giờ mỗi năm, ngang thời Chiến tranh lạnh.
Phi công U-2 mặc bộ đồ đặc biệt như của phi hành gia - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Buồng lái của U-2 - Ảnh: Không lực Mỹ
|
U-2 bay trên bầu trời Triều Tiên - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Một chiếc U-2 bay ngang qua một chiếc RQ-4 Global Hawk ở căn cứ Beale - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Khi Brill chuẩn bị cất cánh ở Beale, từ buồng lái anh ta phải phụ thuộc vào một phi công khác đang ngồi trong chiếc Chevrolet Camaro chạy sau để giúp anh giải quyết các vấn đề cất cánh. Và từ sự giúp đỡ này, Brill cho máy bay cất cánh, chỉ hơn 10 giây là chiếc U-2 vọt lên trời và bay đến rìa không gian.
Anh Sơn
>> Máy bay trinh sát U-2 vẫn còn bay sau 60 năm
>> Pháo đài bay B-52 còn bay đến năm 2040
>> Không lực Mỹ ngưng dùng tiêm kích F-4 làm bia tập bắn
>> Những máy bay hơn nửa thế kỷ vẫn còn bay
>> F-35, bản sao ‘thần sấm’ F-105 thời chiến tranh Việt Nam
>> Bộ đội tên lửa Bắc Việt Nam trong mắt tạp chí Air & Space (Mỹ)
Bình luận (0)