Phí đường bộ xe máy: Thu ít, tốn nhiều

2 năm triển khai thực hiện thu phí đường bộ đối với xe máy tại TP.Hà Nội cho thấy công sức của cả bộ máy bỏ ra rất nhiều nhưng hiệu quả thấp và gây ra những tâm tư cho người dân.

2 năm triển khai thực hiện thu phí đường bộ đối với xe máy tại TP.Hà Nội cho thấy công sức của cả bộ máy bỏ ra rất nhiều nhưng hiệu quả thấp và gây ra những tâm tư cho người dân.

 
Hà Nội hiện có khoảng hơn 4 triệu xe máy nhưng thu phí đạt rất thấp
Hà Nội hiện có khoảng hơn 4 triệu xe máy nhưng thu phí đạt rất thấp - Ảnh: Ngọc Thắng
Qua khảo sát của PV Thanh Niên, việc thu phí đường bộ đối với xe máy trong năm 2014 tại Hà Nội nhìn chung có kết quả rất thấp.
Rất khó thuyết phục

Trên thực tế có rất nhiều sinh viên, người ngoại tỉnh thuê trọ có sử dụng phương tiện, nhưng khi tổ công tác tới lập danh sách thì họ lại nói là xe đi mượn, xe không chính chủ, đã từng nộp lệ phí ở quê... nên rất khó xác minh, rất khó thuyết phục được để họ đóng phí

Ông Đỗ Huy Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố Mễ Trì Hạ (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Tại khu vực các quận nội thành, Q.Cầu Giấy là đơn vị hoàn thành ở mức cao nhất nhưng chỉ trên 20%. Trong khi đó, tại nhiều quận khác con số này thấp hơn rất nhiều. Chủ tịch UBND P.Liên Mạc (Q.Bắc Từ Liêm) Lê Mạnh Thiết cho biết năm qua số tiền thu được là 43 triệu đồng, chỉ đạt tỷ lệ 12% so với chỉ tiêu được giao. Không thu được phí theo đúng chỉ tiêu được giao, cán bộ địa phương cũng chịu áp lực, do đó các hình thức tuyên truyền qua bảng tin, loa truyền thanh vẫn được áp dụng.
Trong khi đó, các cán bộ phường đã đề ra phương án, giờ giấc đi thu tiền. Chẳng hạn, ban ngày đến các hộ thường trú, tối vào những gia đình tạm trú hoặc chia mỗi thôn thành 5 nhóm, thống kê cụ thể, có danh sách từng người sở hữu xe...
Ông Đỗ Huy Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố Mễ Trì Hạ (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm), thông tin: “Tổ có tới hơn 16.000 dân, nhưng tới hết ngày 31.12, chúng tôi mới thu được rất ít”. Theo ông Hùng, do đặc điểm địa bàn có nhiều sinh viên và người địa phương khác tới thuê trọ nên tổ dân phố Mễ Trì Hạ phải thành lập tới 4 tổ công tác, quân số mỗi tổ công tác lên tới 7 người, bao gồm bí thư chi bộ, tổ phó dân phố, bí thư Đoàn... tới từng hộ dân lên danh sách người có xe máy, rồi tuyên truyền, vận động. “Nhiều hôm tổ công tác đi rõ nhiều nhưng kết quả thu cũng không thật hiệu quả. Vì trên thực tế có rất nhiều sinh viên, người ngoại tỉnh thuê trọ có sử dụng phương tiện, nhưng khi tổ công tác tới lập danh sách thì họ lại nói là xe đi mượn, xe không chính chủ, đã từng nộp lệ phí ở quê… nên rất khó xác minh, rất khó thuyết phục được để họ đóng phí”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, một tổ trưởng dân phố ở P.Thượng Cát, Q.Nam Từ Liêm, cho hay những người tham gia nộp phí đường bộ tại địa phương năm 2014 chủ yếu là cán bộ, đảng viên.
“Đóng cũng thế mà không cũng thế”
Theo ông Lê Mạnh Thiết, nguyên nhân chính của tình trạng này là người dân “tị nạnh”, so bì với nhau người nộp, người không. “Năm đầu tiên mới áp dụng chính sách, người dân sợ bị phạt nên đóng khá đầy đủ. Đến năm nay thì có nhiều người không đóng bởi suy nghĩ “đóng cũng thế mà không cũng thế”, nên mức thu được thấp hơn”, ông Thiết chia sẻ.
Trả lời PV Thanh Niên, nhiều tổ trưởng dân phố thuộc địa bàn Q.Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) cho rằng với việc thu phí đường bộ như hiện nay, nếu không có cơ chế xử phạt nghiêm minh thì sẽ có rất ít người tự nguyện nộp. “Rất nhiều người dân trong tổ dân phố có ý kiến cho rằng giữa nộp và không nộp phí đường bộ chẳng có gì khác nhau. Bằng chứng là khi họ ra đường, vi phạm luật giao thông, bị CSGT dừng xe nhưng cũng không bao giờ bị kiểm tra về vấn đề đã nộp phí đường bộ hay chưa”.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng tổ dân phố Đại Cát (P.Liên Mạc, Q.Bắc Từ Liêm), khẳng định chính sách thu phí đường bộ gần như chưa đi vào thực tế.
Phải để dân thấy lợi ích của họ
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 1.1.2015, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.Hà Nội, cho biết chủ trương thu phí đường bộ của thành phố năm 2015 sẽ có thay đổi lớn, đó là khoản phí thu được sau khi trừ đi chi phí tổ chức thực hiện sẽ được để lại cho chính quyền cấp xã, phường sử dụng làm đường làng ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới.
TS Bùi Đức Thụ, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết đến nay Chính phủ cũng như ủy ban chưa có báo cáo hay đánh giá chính thức nào về việc thu phí đường bộ đối với xe máy. Thế nhưng, với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông đã nhận rất nhiều phản ánh của cử tri và các địa phương về việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt mức thấp.
“Để có căn cứ thu thì chúng ta phải quản lý được xe máy nhưng hiện nay phương tiện này được chuyển nhượng qua nhiều người, người sở hữu không sang tên nên tiến hành thu rất khó. Diện phải thu phí là rất rộng vậy ai đứng ra thu, giao cho cấp xã phường thì phải có những quyền lợi, chức năng nhất định. Thực tiễn đã xảy ra nhiều tình huống và chúng ta chưa lường được và chưa có giải pháp đó là xe máy đăng ký ở tỉnh này nhưng lại lưu hành ở tỉnh khác hay người có xe nhưng hỏng hóc không sử dụng và cũng không xóa tên… đang đặt ra rất nhiều vấn đề ”, ông Thụ nói.
Đáng chú ý, ông Thụ cho biết trong việc thu phí đường bộ đối với xe máy thì chi phí tổ chức thực hiện là rất lớn, nhưng con số thu được không đáng bao nhiêu. “Luật đặt ra thì chúng ta phải làm, việc thu phí là nhằm bảo đảm công bằng xã hội, nhưng mặt khác cũng phải tính đến chi phí rất lớn, số thu còn lại rất nhỏ thì có đáng làm không hay nên chăng để khoan sức dân. Về việc này có 2 luồng quan điểm từ khóa trước cho đến nay và cuối cùng biểu quyết theo đa số. Song qua thực tiễn đã bắt đầu bộc lộ bất cập thì có lẽ Chính phủ, Quốc hội cũng nên xem xét đánh giá lại”, ông Thụ nói.
 
Đà Nẵng, Cần Thơ đều gặp khó
Ông Trần Văn Huy, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, khẳng định việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên địa bàn đã đi từ bất cập này đến bất cập khác. Nếu năm 2013, Q.Thanh Khê thu loại phí này được 60% kế hoạch thì 2014 chỉ đạt 16% và có xu hướng tụt dần, không hiệu quả. Theo ông Huy, nguyên nhân là do không có chế tài, việc thu phí là quy định bắt buộc nhưng cách thực hiện lại như cuộc vận động, ai không nộp cũng không sao, về quản lý địa phương cũng không kiểm soát được số lượng xe máy của hộ dân, kê khai sao thì nộp vậy.
Ông Lê Văn Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, cho hay theo nghị quyết mới của HĐND TP.Đà Nẵng năm 2014, 20% nguồn thu loại phí này chi cho thực hiện công tác thu, 40% để lại phường xã, 40% để lại cho quận huyện, bất cập ở biên lai mỏng đã được đổi thành thẻ và áp dụng trong năm 2015 nhưng việc thu phí này vẫn rất khó khăn.
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP, cho biết theo kế hoạch trong năm 2014 sẽ thu phí đường bộ đối với xe máy khoảng 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10.2014, TP.Cần Thơ chỉ thu được hơn 8,4 tỉ đồng, đạt 41,85% kế hoạch.
Nguyễn Tú - Mai Trâm
 
Trích 10% là không nhằm nhò gì cả!
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, 322 phường, xã, thị trấn thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM mặc dù đã có thống kê xe máy của các hộ dân, nhưng số lượng chính xác bao nhiêu thì vẫn chưa nắm được. Lý do là chỉ thống kê được xe của các hộ có hộ khẩu thường trú, còn xe của người dân tạm trú hoặc không đăng ký tạm trú thì “bó tay”. Đây là thực tế nan giải trong việc đảm bảo công bằng khi tiến hành thu phí.
Thu phí xe máy đang phát sinh nhiều bất cập
Thu phí xe máy đang phát sinh nhiều bất cập - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một lãnh đạo UBND phường ở Q.Phú Nhuận cho biết phường vừa thống kê được các hộ dân thường trú trên địa bàn có tổng cộng khoảng 1.500 xe máy, nhưng số lượng xe của các hộ tạm trú thì chưa nắm được là bao nhiêu. Về việc tổ chức thu phí, vị này nói: “Chúng tôi cũng đang rất lo về tính khả thi của nó. Nếu buộc cán bộ, công chức phường đứng ra trực tiếp thu thì cũng được nhưng nếu bắt buộc họ làm như vậy thì sẽ không còn thời gian để làm các việc khác, đặc biệt là giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân sẽ bị đình trệ. Thực tế hiện nay, cán bộ, công chức phường công việc chính của mỗi người theo từng lĩnh vực như nhà đất, tư pháp, quản lý đô thị… Phường dự tính sẽ vận động tổ dân phố thu nhưng cũng rất lo là liệu có thu được hay không, đó là chưa kể về độ rủi ro là trên đường đi thu từng nhà dân, nếu chẳng may bị cướp giật thì khổ nữa”.
Lãnh đạo UBND một phường ở Q.8 chia sẻ: “Hiện phường chưa biết sẽ giao cho bộ phận nào trực tiếp thu phí xe máy. Tỷ lệ phí trích lại cho phường 10% là không nhằm nhò gì cả mà thu thì cực khổ lắm. Cán bộ phường thì chắc chắn không thu nổi. Nếu như giao cho tổ dân phố thu thì ít nhất phải trích tiền công 3 - 4%, số còn lại phải lo chi phí quản lý, giấy tờ, sổ sách… thì cũng hết sạch. Như vậy, chỉ với việc nâng cấp hẻm thôi thì cũng sẽ chẳng còn đồng nào để làm”.
Theo UBND TP.HCM, thực tế hiện nay xã, phường, thị trấn đang được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo địa bàn quản lý, nên nếu giao cho lực lượng này thu cả phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ không cần tăng thêm biên chế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của PV Thanh Niên, lãnh đạo nhiều phường cho rằng nếu tổ chức thu thì chuyện tăng thêm người là không tránh khỏi. Việc thu thuế sử dụng đất thì dễ do nắm chắc được địa chỉ cụ thể của từng trường hợp cần thu, nhưng với xe máy thì biến động liên tục.
“Chắc chắn phải thuê thêm người làm, nhưng với mức trả 3 - 4% tiền phí thu được thì không biết người ta có chịu đi thu hay không nữa. Thực tế thu tiền này rất là khó, mất nhiều thời gian khi đến thu mà người dân không có ở nhà cũng đành chịu, hoặc họ viện dẫn lý do này nọ để không nộp thì cũng chịu luôn”, lãnh đạo một phường ở Q.Phú Nhuận nói.
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.