Phi vụ 'đen' của quan thi hành án

16/03/2014 09:25 GMT+7

Một tài sản được bán đấu giá công khai để thi hành án vào năm 2000 nhưng người trúng đấu giá bị “bẻ kèo” nên phát sinh khiếu kiện kéo dài 8 năm. Sự việc kết thúc khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nhưng hậu quả thì sau 14 năm vẫn chưa khắc phục xong.

Một tài sản được bán đấu giá công khai để thi hành án vào năm 2000 nhưng người trúng đấu giá bị “bẻ kèo” nên phát sinh khiếu kiện kéo dài 8 năm. Sự việc kết thúc khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nhưng hậu quả thì sau 14 năm vẫn chưa khắc phục xong.

Phi vụ 'đen' của quan thi hành án

Hai bị cáo Nguyễn Văn Tám (bên trái) và Lê Tấn Trung tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: H.Ph

Căn nhà số 17, đường Ba Dừa, thị trấn Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vốn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thừa và Nguyễn Thị Hương. Do phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên bà Hương bị tòa xử phạt 18 năm tù đồng thời quyết định kê biên, bán đấu giá căn nhà để chi trả cho 64 bị hại. Khi Trung tâm bán đấu giá Tiền Giang (BĐG) tổ chức bán căn nhà nói trên vào cuối năm 2000, bà Cao Quế Hoa (ngụ thị trấn Cai Lậy) đã trúng đấu giá mua lại căn nhà với giá 206 triệu đồng.

“Phù phép” tài sản đấu giá

 

Ngân sách phải gánh chịu ?

Sự việc xảy ra đã 14 năm và bản án của tòa có hiệu lực cũng đã 4 năm. Ngày 26.2.2014, chúng tôi liên hệ với Sở Tài chính Tiền Giang tìm hiểu xem số tiền 796 triệu đồng tạm ứng từ năm 2008 đến nay đã trả lại ngân sách hay chưa, thì được biết ngày 27.11.2013 Sở Tài chính có văn bản đòi lại số tiền trên và ngày 5.12.2013, Cục THA dân sự Tiền Giang có văn bản phúc đáp. Theo đó, Cục THA dân sự tỉnh cho biết đã đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ tài chính để hoàn trả số tiền tạm ứng và hồ sơ xin hỗ trợ đã được Bộ Tư pháp chuyển cho Bộ Tài chính. Trong thời gian chờ đợi, Cục THA dân sự tỉnh xin gia hạn thời gian hoàn ứng số tiền nói trên.

Theo biên bản do Trung tâm BĐG lập thì trong vòng 30 ngày, chủ sở hữu tài sản nếu có nhu cầu mua lại nhà thì phải làm đơn, có chứng nhận của chính quyền địa phương. Quá thời hạn trên, Trung tâm BĐG sẽ thu tiền của khách hàng và mọi khiếu nại về sau không được giải quyết. Khi thời hạn 30 ngày đã hết, bà Hoa được mời đến Trung tâm BĐG để xác lập bà là người được mua nhà, có chữ ký xác nhận của những người tham gia tại phiên đấu giá. Mãi đến ngày 2.2.2001, Trung tâm BĐG mới nhận được đơn xin chuộc lại căn nhà của ông Thừa, vừa trễ hạn lại không có xác nhận của chính quyền địa phương, nghĩa là đơn bất hợp lệ.

Vậy mà điều kỳ lạ vẫn xảy ra. Ngày 12.2.2001, khi bà Hoa mang tiền tới nộp theo thư mời thì bị ông Phạm Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm BĐG từ chối. Cùng ngày, ông Khiêm ký văn bản gửi Phòng Thi hành án dân sự tỉnh (THA) đề xuất cho ông Thừa chuộc lại nhà. Cũng ngay trong ngày, sau khi nhận được đề xuất của ông Khiêm, chấp hành viên Lê Tấn Trung dự thảo văn bản trình ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng phòng THA dân sự ký, đề nghị Viện KSND tỉnh cho ông Thừa chuộc lại căn nhà.

Khi ông Trần Văn Tính, Phó viện trưởng Viện KSND Tiền Giang thống nhất với ý kiến đề xuất thì ngay hôm sau, Lê Tấn Trung dự thảo quyết định đưa Nguyễn Văn Tám, Phó trưởng phòng THA dân sự ký, chấp thuận cho ông Thừa nộp tiền chuộc lại căn nhà. Ngày 3.4.2001 chấp hành viên Lê Tấn Trung ký quyết định giải tỏa kê biên thì cũng ngay trong ngày, ông Thừa được nhận lại nhà. Nhưng rồi chưa đầy 3 tuần sau, ông Thừa đã làm thủ tục “bán” căn nhà lại cho bà Nguyễn Thị Út.

Tới lúc đó, người ta mới biết người sử dụng căn nhà là ông Nguyễn Minh Hòa, Đội trưởng THA huyện Cai Lậy và cũng là con rể của bà Út. Thực hiện “phi vụ” này, ông Thừa được trả công 7 triệu đồng.

Án treo...

Sau khi bị những người thực thi pháp luật toa rập nhau “bẻ kèo”, suốt 8 năm sau đó bà Hoa đi gõ cửa khiếu nại từ địa phương tới T.Ư. Khiếu nại không xong, bà nộp đơn khởi kiện nhưng bị TAND TP.Mỹ Tho xử thua kiện. Bà Hoa kháng án lên tòa cấp trên thì ngày 16.5.2005, án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên hủy án sơ thẩm vì “quyết định của Phòng THA dân sự cho chuộc lại tài sản đã bán đấu giá là không hợp pháp về hình thức lẫn nội dung”.

Vẫn chưa xong, ngày 11.7.2007, Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang tiếp tục có văn bản xin ý kiến Cục THA dân sự Bộ Tư pháp (nay là Tổng cục THA dân sự) về việc ông Thừa xin chuộc lại tài sản, nhưng chẳng hiểu sao lại không đề cập việc đơn nộp trễ hạn. Vì vậy sau đó Cục THA dân sự có văn bản xác định “không có cơ sở để giao căn nhà số 17 cho bà Cao Quế Hoa...”. Trong khi đó thì bà Hoa cũng không chịu thua nên khiếu nại lên T.Ư. Thế là Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có kết luận ngược lại: “Về nội dung khiếu kiện của bà Hoa và thỏa thuận trong biên bản đấu giá ngày 19.12.2000 là hợp pháp. Trung tâm BĐG và Phòng THA dân sự tỉnh giải quyết cho ông Thừa chuộc lại tài sản là không đúng quy định pháp luật”.

Căn cứ kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngày 4.4.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí đã chỉ đạo cho tạm ứng tiền từ ngân sách để mua lại căn nhà nói trên giao cho bà Hoa với giá 55 lượng vàng.

Cho rằng từ việc cố ý làm trái pháp luật của một số cán bộ có liên quan đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vì báo cáo sai nên cơ quan quản lý nhà nước đã ra nhiều quyết định sai, dẫn đến hậu quả ngân sách chỉ thu được 206 triệu đồng từ việc bán nhà cho bà Hoa, nhưng phải bù thêm gần 800 triệu đồng để chuộc lại căn nhà từ bà Út, Viện KSND tối cao đã quyết định khởi tố bị can đối với chấp hành viên Lê Tấn Trung và Phó trưởng THA dân sự Tiền Giang Nguyễn Văn Tám.

Tại bản án sơ thẩm ngày 6.9.2010, TAND tỉnh Tiền Giang đã phạt bị cáo Tám 3 năm tù và Trung 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa cũng buộc Cục THA dân sự Tiền Giang (tiền thân là Phòng THA dân sự) có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách tỉnh 796 triệu đồng đã tạm ứng.

Hoàng Phương

>> Ngậm đắng vì thi hành án
>> Tạm đình chỉ công tác Phó chi cục trưởng Thi hành án dân sự
>> Cách chức Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện
>> Bộ Tư pháp bổ nhiệm bị can làm cán bộ thi hành án
>> Thi hành án cũng chịu thua ?  

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.