Phía sau các cuộc 'giải cứu'

07/03/2017 02:46 GMT+7

Phía sau các cuộc “giải cứu” nông sản bị dư thừa gần đây là số phận khốn khó của hàng triệu nông dân, những người làm ra các nông sản đứng đầu trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới.

Đó còn là thực trạng bế tắc, lúng túng, thiếu chiến lược của ngành nông nghiệp VN.
Từ một cuộc giải cứu mang tính tình thế, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, đã có một số loại nông sản rơi vào tình trạng phải nhờ đến giải cứu. Công cuộc giải cứu chuối ở Đồng Nai hiện nay làm người ta nhớ đến cuộc giải cứu chuối ở Vĩnh Phúc cách đây chưa đầy 3 năm. Rồi giải cứu thanh long tại Bình Thuận, giải cứu vải ở Lục Ngạn, giải cứu hành tím ở Sóc Trăng...
Ngay cả với gạo, nông sản số 1 VN thì hằng năm, Chính phủ cũng phải bỏ tiền mua dự trữ hàng triệu tấn nhằm giữ giá giúp nông dân có được chút lãi. Có thể thấy, khái niệm “giải cứu” nông sản đang là một mối lo chung.
Điều đáng nói là trong khi các nông sản này rớt giá, ế ẩm thì cũng chính các hành tím, chuối ngoại nhập vào VN, hay được trồng theo quy trình công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được bán với giá rất cao và được thị trường chấp nhận. Tại sao lại có nghịch lý này, hãy nhìn lại các cuộc giải cứu để thấy, đó là hệ quả của một nền nông nghiệp thiếu chiến lược, thiếu tổ chức sản xuất bài bản, chuyên nghiệp.
Bao năm qua, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn vẫn để cho người dân thích trồng gì thì trồng, thích nuôi con gì thì nuôi, lao theo nhu cầu nhất thời của thị trường. Hôm nay thương lái Trung Quốc mua chuối giá cao thì họ chặt nhãn, chặt ổi trồng chuối. Đến khi thương lái không mua nữa, chuối chất đống ngoài ruộng... thế là phải giải cứu. Vấn nạn “chặt trồng, trồng chặt”, “được mùa mất giá” đeo bám ngành nông nghiệp VN hàng thập niên qua nhưng không được giải quyết triệt để. Cũng nhiều thập niên qua, vấn đề nông sản xuất thô, giá trị thấp do thiếu ngành công nghiệp chế biến được đưa ra nhưng đến nay vẫn thế. Cà phê, tiêu, trái cây... vẫn từ nương rẫy ra thẳng thị trường. Chẳng may dội hàng thì chỉ còn cách bán tháo giá thấp, đổ bỏ hoặc kêu cầu giải cứu.
Trách nhiệm của người nông dân cũng không nhỏ. Ngoài việc nuôi trồng "hồn nhiên", cảm tính, thì việc sử dụng chất kích thích, chất bảo quản tràn lan đã khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin với nông sản Việt. Đó là lý do trái cây - rau củ ngoại có cơ hội xâm nhập và tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa dù giá không hề rẻ.
Vì thế, phía sau cuộc giải cứu không phải, không nên tiếp tục là các cuộc giải cứu nữa mà phải là một chiến lược thực sự cho ngành nông nghiệp VN. Đó là ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung cho chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Chiến lược đó phải xây dựng được một ngành công nghiệp chế biến để tạo giá trị gia tăng cho nông sản VN. Chiến lược đó phải có tác dụng "giải cứu niềm tin" của người tiêu dùng Việt với chuối, vải, thanh long, hành tím... được trồng an toàn, đảm bảo chất lượng trên đồng ruộng của chính dân mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.