Với nhiều tác phẩm nổi bật: Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tạp pín lù, Phong lưu cũ mới, Thú chơi sách, Chuyện cười cố nhân, Tự vị tiếng Việt miền Nam..., nhưng nói đến Vương Hồng Sển, phải kể đến tuyệt tác Hơn nửa đời hư gắn liền với tên tuổi ông theo thời gian.
Gần 1.000 trang sách, hồi ký ghi lại cuộc đời thăng trầm của vị học giả đất phương Nam đầy màu sắc mà không kém phần lâm ly trong sự biến chuyển của xã hội. Vương Hồng Sển không ngại ngùng tự nhận: “Đời tôi là một chữ HƯ to tướng... Hai lần cưới vợ có làm hôn thú đàng hoàng nhưng đều hỏng bét. Với bà Trần Thị Thố cưới nhau vì tiền, chín tháng keo hồ tan rã, tôi không biết chọn người... Lần thứ hai cưới cô Dương Thị Tuyết, phen này lúc ban sơ rõ là vì tình rồi cũng ly dị. Cô ôm một ô xoàn, bỏ tôi với mớ đồ cô cho là vô dụng: chén bát cũ và sách rách bìa xác xơ như chủ nó...”.
Đến với cuốn sách, độc giả còn nghe ông kể lại những năm tháng định mệnh của số phận dành cho mình từ năm 1923 - 1927. Kỷ niệm riêng giữa Vương Hồng Sển với các nhân vật đã ghi danh vào sử sách: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Trạch... mà theo tác giả: “Góp chút tài liệu nhỏ cho những ai sau này muốn viết lại chánh sử hoặc muốn tìm hiểu thêm một vài chi tiết thật mà chưa ai nói”. Hơn nửa đời hư được viết sống động, hiếm có thông qua câu chuyện của một cá nhân càng hiểu hơn về vùng đất Nam bộ hào sảng nhưng chứa đựng biết bao điều kỳ thú. Cuốn sách đúng như lời nhà văn Sơn Nam, bạn vong niên của Vương Hồng Sển, nhận định: “Đó là một kiểu Vũ Trung tùy bút… là sự đóng góp quý báu về tư liệu xã hội học, dân tộc học ở vùng đất mới”.
Bình luận (0)