Phiên chất vấn được chờ đợi

14/11/2016 04:50 GMT+7

Giữa tuần này, Quốc hội sẽ có hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn.

Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ cựu, từng tham gia ít nhất hai kỳ vừa qua tỏ ra rất hài lòng khi cho rằng các nội dung chất vấn đều là những vấn đề đang rất nóng bỏng.
Điển hình như nhóm vấn đề mà Bộ trưởng TN-MT phải giải trình. Đó là câu chuyện thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thẩm định triển khai các dự án để xảy ra sự cố môi trường.
Vấn đề môi trường từ đầu năm đến nay nóng bỏng hơn bao giờ hết, từ miền núi Tà Loỏng của tỉnh Lào Cai, đến “núi nhân tạo” làm bằng chất thải ven biển Hải Phòng của Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ. Câu chuyện môi trường sống gây bức xúc từ các tỉnh ven biển miền Trung với sự cố Formosa đến nguy cơ với đồng bằng sông Cửu Long vì các dự án giấy hay nhiệt điện than...
Nội dung này cấp bách tới mức Thủ tướng phải chủ trì một hội nghị chuyên đề và kêu gọi hành động ngay để bảo vệ môi trường sống. Ngay chính Bộ trưởng Công thương không ít lần phải kêu lên đau xót và đã đưa một loạt siêu dự án của ngành mình vào diện “giám sát đặc biệt”.
Một vấn đề khác gây bức xúc xã hội không kém thời gian gần đây cũng được lựa chọn vào chương trình chất vấn là kỷ luật công vụ, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.
Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “đúng quy trình” được nói một cách phổ biến, dễ dãi như thời gian qua để biện minh cho những lùm xùm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhất là những sự việc cả nhà làm quan diễn ra rất nhiều cấp, nhiều địa phương. Nhiều cán bộ cấp cao được bổ nhiệm, luân chuyển qua rất nhiều vị trí như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy dù trước đó quản lý đơn vị mình thì gây thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng...
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn lần này (TN-MT, Công thương, GD-ĐT, Nội vụ) đã trải qua khá nhiều vòng lấy ý kiến.
Trước tiên là “sơ tuyển” từ 16 nhóm vấn đề qua ý kiến cử tri và sự quan tâm của đại biểu. Tiếp đó là vòng xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ rồi cuối cùng gửi xin ý kiến đại biểu chọn ra 4 nhóm.
Ở “vòng chung kết”, nhóm vấn đề của ngành kế hoạch đầu tư vốn hay được hiểu nôm na là “vĩ mô” đã không được các vị dân cử lựa chọn để ưu tiên cho những nội dung dân sinh, gần gũi hơn, va chạm trực tiếp với những bức xúc cuộc sống thường ngày của người dân.
Một trong những đổi mới tại lần chất vấn này là các đại biểu có thể giơ biển khi muốn tranh luận. Điều này, cùng với những nội dung đầy hơi thở cuộc sống, được kỳ vọng sẽ tạo ra bầu không khí sôi nổi, chân thực hơn thay vì các bộ trưởng chỉ nhận câu hỏi rồi “đọc bài”. Thậm chí, có thể khiến các buổi chất vấn trở nên gay cấn, tranh luận căng thẳng hơn. Từ đó, người dân có thể kỳ vọng những vấn đề dân sinh bức xúc sẽ có cơ hội được giải quyết thấu đáo hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.