Vợ chồng con cái nhà Vinh, em trai Phàm tự động dạt vào một góc nhà, nhường chỗ cho bà ta. Con Vy, em gái út, hai mươi bảy tết từ dưới thủ đô về, sững sờ trước người đàn bà ngồi bên cửa sổ. Không nói không rằng, nó cất đồ đạc, quà cáp, rồi lặng lẽ ra vườn.
Vườn nhà Phàm rộng, hơn hai mươi năm nay chỉ trồng mía tím. Vào lúc mía mới đặt hom, Phàm tranh thủ tra đậu xanh, đậu đen, đậu tương. Khi mía lên ngang đùi, trong nhà đã hũ to hũ nhỏ các loại đậu. Phàm bảo mẹ thích ăn chè đậu xanh, thích xôi hoa cau, thích gói bánh tình nhân lắm. Năm nào trồng mới mía, Phàm cũng trồng đậu. Sau này có em dâu, đậu ăn không hết thì Phàm bảo nó mang đi chợ phiên bán lấy chút tiền mua thêm cái quần, manh áo cho hai đứa nhỏ.
Mùng một tết, Phàm lên núi Vua lấy nước về cho cả nhà. Núi Vua cách bản vài phút đi xe máy. Đấy là khi có xe máy Phàm mới đếm được, chứ trước kia Phàm đi xe đạp.
Dưới chân núi Vua có một cái mó nước. Nước được rịn ra từ lòng đá, trong suốt, quanh năm không bao giờ cạn.
Truyền thuyết kể: Xưa có ông vua dẫn quân đi chinh chiến, không may bại trận, phải dẫn tàn quân chạy đến chân ngọn núi đá này. Núi thì cao trước mặt, quân lính thì đã kiệt sức vì đói khát, mà giặc thì đã đuổi sát lưng. Đương khi nguy cấp, nhà vua quỳ xuống trước ngọn núi, nguyện rằng nếu được cứu khỏi nạn này, sẽ dâng lên thần núi thanh kiếm báu và nàng công chúa đẹp nhất của mình.
Nhà vua vừa dứt nguyện, gió nổi lên ào ạt, nắng rực rỡ vàng và mây trắng trôi bồng bềnh trên nền trời xanh ngắt. Vua dộng mạnh mũi kiếm xuống mặt đất. Dưới mũi kiếm, mặt đất toác ra, một dòng nước trong vắt phun trào. Quân lính uống nước, trở nên khỏe mạnh, hoạt bát, sức sống tràn trề. Họ cùng nhau thoát nạn. Nhưng thanh kiếm của nhà vua thì gãy vụn.
Từ đó, dân đặt tên mó nước là mó Vua. Ngọn núi cũng được gọi là núi Vua.
… Mỗi lần đến mó Vua lấy nước, Phàm lại dừng chân chốc lát trước một phiến đá mảnh như một tấm lá chắn mọc lên trên một thửa ruộng bằng phẳng. Đỉnh phiến đá cũng khá bằng, thân đá thuôn nhọn về phần gốc. Người ta bảo đó chính là phần sót lại của thanh kiếm ngày xưa.
Thì, người già nói sao biết vậy, Phàm năm nào cũng vào mó Vua lấy nước. Nước trong vắt được Phàm duôn vào hai cái can trắng, mang về đổ đầy cái chum sành to, dùng cho ba ngày tết. Trên đường chở nước về nhà, Phàm đi qua những cái sân rộng mà thường ngày được dùng để chơi bóng chuyền, bóng đá, thấy thanh niên, ông bà già, con trẻ tụ tập chơi ném còn ở đó. Cây còn dựng thẳng đứng, cao vút giữa sân. Cái vòng tròn được dán giấy màu rực rỡ. Quả còn được những cô gái trẻ khâu từ những miếng vải ngũ sắc, cầu mong cho năm mới nhiều may mắn, hanh thông. Năm nào cũng vậy, họ chơi ném còn rất say sưa, nhiệt tình, chẳng ai ném tới ba lần… không qua vòng như Phàm cả. Đám thanh niên hầu hết là bạn của Phàm. Họ kéo Phàm về nhà họ uống chén rượu xuân, ăn bát măng chua, nhấm nháp ăn con cá suối. Năm nào họ cũng chúc Phàm sớm cưới được vợ hiền, sớm tìm được mẹ.
Năm nay, lấy nước xong, Phàm một mạch đi về nhà, không vào nhà ai uống rượu mừng năm mới như trước. Phàm không phải không muốn nhận những lời chúc mừng từ họ, mà điều họ chúc, cơ bản đã thành sự thật rồi.
Nước thiêng năm mới mang về nhà, Phàm đổ vào cái chum sành. Cái chum cao ngang bụng người lớn. Phải hai, ba chuyến đi nữa mới đầy chum. Trong bản, nhà nào cũng thế, cứ giao thừa xong là người con trai khỏe mạnh nhất trong nhà sẽ mang đôi thùng tôn, thùng gỗ rồi lập thành một đoàn người kéo nhau đến mó Vua gánh một gánh nước về đổ khắp sân, với mong muốn một năm thuận lợi, hanh thông. Sau này có xe máy, người ta chở những cái can lớn đằng sau xe máy đi lấy nước. Đoàn người đến mó Vua đông vui tấp nập, đèn pin, đèn xe loang loáng, đêm giao thừa bỗng sáng như sao. Không ai đến mó Vua để lấy nước vào sáng mùng một như Phàm. Mặc những lời thắc mắc, không năm nào Phàm thay đổi thói quen đó. Trước đây, khi Phàm còn nhỏ, mẹ là người vào tận mó Vua lấy nước về đổ đầy chum vào ngày mùng một tết.
Mùng một tết năm ấy, mẹ đi lấy nước ở mó Vua như mọi năm, và không trở về. Phàm một tay bế đứa em út mới bảy tháng tuổi, một tay dắt đứa em trai sáu tuổi đứng cả ngày ở ngõ đợi. Bao nhiêu người trong làng ngoài bản kéo nhau đi chúc tết qua ngõ, biết bao trẻ con xúng xính áo mới giày đẹp đi qua ngõ, biết bao con chim báo xuân lướt qua bầu trời ngày đầu năm ấm áp, mẹ vẫn không về.
Người ta bảo mẹ Phàm đã bỏ đi theo giai rồi. Ở với bố con Phàm khổ quá, bà ta không chịu nổi. Ngày còn trẻ, mẹ Phàm vẫn rất tự hào về bản thân. Mẹ khi đó là một trong những cô gái đẹp nhất Mường, bao nhiêu người theo đuổi, nhưng lại yêu và lấy bố Phàm, một thanh niên đẹp trai, nhưng nghèo.
Những tưởng một túp lều tranh, hai trái tim vàng thì chín sông cũng vượt, chín đèo cũng qua. Nhưng, hơn mười năm sau khi cưới nhau, sinh anh em Phàm, bố theo những tốp người làng đi tận Lục Yên, Yên Bái đào đá quý, rồi đổ bệnh nặng, quanh năm vạ vật hết trên giường lại ngồi tựa cửa. Những cơn ho của bố như kéo cả ngôi nhà sàn đơn sơ sụm xuống. Vy, đứa em gái út chào đời trong đói khổ. Ngày mẹ đi, nó khóc tím tái cả người vì khát sữa.
Mẹ bỏ đi đúng vào mùng một tết. Năm sau, vừa sáng sớm mùng một, khi bố và các em vẫn còn ngủ vùi trong chăn, Phàm một mình gánh hai chiếc thùng tôn đi bộ vào mó Vua.
Con đường vào mó Vua dài dằng dặc, băng qua ba ngọn đồi lúp xúp, qua những ruộng cải trổ ngồng từ cuối năm, qua những cây đào phai và cúc vàng rực rỡ dưới cửa sổ những ngôi nhà sàn bên đường. Đầu năm mới, mọi người tụ tập ở quanh xóm bản chúc tụng nhau, những cánh đồng, những ngọn đồi chỉ còn nắng, gió, những cánh chim nhỏ miết mải bay, cất tiếng hót cao vút và trong trẻo.
Mó Vua hiện ra bình lặng dưới nắng ấm mùa xuân. Dòng nước trong suốt ánh lên lấp lánh. Bên bờ mó Vua, ngày xưa ai đó trồng mấy cây đào phai. Nay những cây đào đã già, mốc meo, đen đúa, nhưng từ những cành đen xỉn, những bông hoa hồng nhạt bung nở xen kẽ những chiếc lá thuôn nhọn, xanh non, như những ngón tay xanh veo vẫy gọi. Lặng ngắm những bông hoa đào nở trong sự vắng vẻ, lặng lẽ của mó nước, trái tim Phàm thắt lại, nhói đau. Phàm ngồi thụp xuống, vục tay vào làn nước trong suốt và òa khóc. Phàm đã hy vọng mẹ đang đứng nơi đây, như một năm trước bà đã đến.
Phàm khóc mãi, khi những cơn gió xuân ào ào thổi tới như thúc giục, Phàm mới đến bên phiến đá mọc. Có lần dẫn Phàm đến mó Vua lấy nước, mẹ chỉ phiến đá rồi bảo nó là phiến đá mọc, mỗi năm nó tự cao lên một chút. Ngày mẹ còn bé, phiến đá chỉ cao đến ngang lưng một con trâu đang gặm cỏ, mà giờ đây, nhìn xem, nó đã bằng ngang đầu một người lớn rồi.
… “Bác Phàm ơi! Bà đi đâu rồi ấy, cháu không thấy bà”.
Đứa cháu nhỏ bốn tuổi kéo tay Phàm líu la líu lô. Trống ngực Phàm rộn lên thình thịch. Phàm chạy lên nhà sàn, ngôi nhà run lên bần bật. Phàm chạy xuống sân, đàn gà trong sân nháo nhác, Phàm chạy ra vườn, mía khua lá xào xạc. Không nơi nào có mẹ.
Phàm thất thểu chạy quanh xóm, hy vọng năm mới, có thể mẹ tìm đến nhà bà con, bè bạn để chúc tết sau nhiều năm xa cách. Nắng xuân lên cao, những gia đình trẻ chở nhau trên những chiếc xe máy đời mới phơi phới đi chúc tết. Ai gặp Phàm cũng tươi cười chúc tụng, nhưng không ai nhắc đến mẹ Phàm.
Hết mùng ba, mẹ vẫn chưa về. Vợ chồng Vinh bảo thôi, mẹ đã không muốn ở với chúng ta thì cũng đừng ép mẹ. Vy không nói gì. Từ khi biết mẹ bỏ rơi mình lúc mới bảy tháng tuổi, lớn lên nhờ anh trai Cả chắt chiu từng bát nước cơm, Vy đã không bao giờ nhắc đến mẹ một từ.
Mấy năm đầu mẹ bỏ đi, thằng Vinh vẫn giữ thói quen ngóng mẹ về. Đi đâu thì chớ, về đến nhà là nó hỏi Phàm: “Mẹ có về không?”. Chính câu hỏi thường xuyên và gần như phản xạ vô thức đó của nó, mà Phàm càng quyết tâm tìm mẹ. Bố đã mất, nhà chỉ còn ba anh em tự nuôi nhau. Chăm chỉ trồng mía, lại được giá trong nhiều năm liên tục, nên anh em Phàm sống ổn, không đến nỗi nào. Thằng Vinh còn được học hết lớp 12, tại nó yêu sớm, lấy vợ sớm, chứ nếu nó muốn học đại học, hay học trường nghề, Phàm cũng lo được. Vy cũng được học hành tử tế, đang học năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Bao năm bận rộn nuôi hai đứa em ăn học, Phàm chỉ dành những quãng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi đi tìm, dò la tin tức mẹ. Phần lớn những chuyến đi của Phàm chìm vào vô vọng. Thi thoảng có một manh mối nhỏ, rồi đứt quãng, rồi lại manh mối nhỏ. Cuối cùng, ba năm trước Phàm tìm đến một ngôi làng ven biển.
Làng biển có nghề làm mắm cá. Từ xa, mùi mắm đã nồng nặc trong không khí. Nhưng khi đến gần, một cảm giác thân thương kỳ lạ cứ xâm chiếm lấy Phàm. Người ta bảo hai mươi năm trước có một người phụ nữ vùng núi về làm vợ lẽ của một người đàn ông trong làng. Người đàn ông này, khi còn trai trẻ, đã bỏ làng đi làm ăn ở vùng núi. Có thể họ đã yêu thương, hò hẹn nhau từ ngày đó, nhưng vì duyên phận nhiều trắc trở, họ đã phải xa nhau.
Trong khoảnh sân của ngôi nhà ngói ba gian hướng mặt ra biển rộng, một người đàn bà gầy gò đang lúi húi lật những con cá phơi trên những tấm phên đan từ tre nứa. Nghe mách đó là mẹ của Phàm. Đã quá lâu rồi Phàm không gặp lại mẹ. Đôi lúc, Phàm không nhớ được mẹ trông như thế nào. Trời ơi! Nếu Phàm không còn nhớ được khuôn mặt mẹ, và mẹ cũng không thể nhận ra Phàm khi Phàm đã lớn lên, thì sao có thể nhận ra nếu có một ngày nào đó vô tình đi qua nhau cơ chứ?
Nỗi sợ về sự lãng quên ngày một giày vò Phàm. Phàm tìm lại những bức ảnh cũ của mẹ ngày xưa, ngồi ngắm hàng giờ, và nhiều ngày liên tục. Nhưng khi Phàm tả về mẹ trong cuộc tìm kiếm, người ta cười bảo: “Người như thế, thì giờ đã khác lắm rồi, làm sao tìm được?”.
Người đàn bà phơi cá bất ngờ dừng tay, ngước nhìn chàng trai trẻ đang tần ngần trước cổng. Phàm như hóa đá trước bà. Bối rối và… bối rối. Định bỏ vào nhà nhưng lại quay ra cổng. Trước Phàm, người con trai giống bố như lột, bà ngập ngừng: “Phàm… phải không con?”.
Căn nhà ven biển mẹ sống với người chồng mới và hai đứa con song sinh. Hai đứa đã tròn mười tám, đi làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà. Còn người chồng…
Có tiếng ho húng hắng ngoài cổng. Mẹ đang bối rối hỏi thăm Phàm về hai đứa em, hai đứa trẻ bà đã bỏ rơi gần hai mươi năm trước, bỗng trở nên cuống quýt. Ánh mắt sợ hãi hướng về một người đàn ông đang chắp tay sau lưng lững thững đi vào nhà...
Trên chuyến xe từ làng biển trở về xóm núi, lòng Phàm nặng trĩu. Nước mắt cứ ràn ra trên má, khiến những người cùng chuyến xe ái ngại, tò mò. Mẹ bỏ bố con Phàm đi gần hai mươi năm qua, chạy trốn đói khổ nhọc nhằn, để cuối cùng lại rơi vào những nhọc nhằn đói khổ khác hay sao? Nỗi sợ hãi hiện rõ trên gương mặt mẹ khi người chồng mới về nhà. Bà giới thiệu với ông ta, Phàm là con trai một người quen cũ, tình cờ đi du lịch bụi qua làng biển…
Năm nay, giáp tết, Phàm bắt xe chạy thẳng về làng biển. Phàm muốn đón mẹ về với anh em Phàm và hai đứa cháu. Mẹ sẽ không phải lo việc nhà cửa, cuối năm Phàm sẽ dựng ngôi nhà sàn mới. Mẹ sẽ không còn nỗi lo bị người chồng đánh đập thường xuyên, vì những cơn ghen vô lý của hắn. Mẹ sẽ không phải lo cho hai đứa con kia, vì chúng đã đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Bị chồng mới đánh đập bầm dập thân thể, tiều tụy dung nhan, cuối cùng mẹ đồng ý theo Phàm về quê cũ. Vậy mà, trong suốt những ngày ở lại, mẹ buồn thăm thẳm. Mẹ ngại ngần vì cảnh cũ người xưa, hay không dám đối diện với những đứa con mà mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi từ khi chúng còn trứng nước?
“Cũng là lỗi của bọn em. Lẽ ra bọn em nên gần gũi mẹ, để mẹ đỡ tủi thân” - Vinh ngậm ngùi.
“Theo em, mình không nên cố tìm mẹ về nữa anh ạ” - Vy ngập ngừng đề nghị.
Phàm nhìn chăm chăm vào ngọn lửa đang ngùn ngụt đun sôi siêu nước trên bếp. Những cặp bánh tình nhân vợ chồng Vinh gói vẫn treo đầy trên cửa sổ. Ngày xưa mẹ gói bánh tình nhân mỗi dịp tết đến, bảo bánh là biểu tượng của tình yêu chung thủy, trước sau như một.
Sáng mùng bốn, đẹp ngày, Phàm chạy xe đến mó Vua.
Trời trở gió từ đêm, mưa phùn bay lả tả. Những cánh đào phai run rẩy đọng những giọt mưa xuân trong suốt. Phàm đứng lặng trước mó nước mùa xuân. Người ta kể rằng vị vua nọ, mà không biết đời nào, đã nguyện với thần núi, nếu được cứu khỏi nạn kia, sẽ dâng thần thanh gươm báu cùng nàng công chúa đẹp nhất của mình. Thanh gươm đã vỡ vụn, găm sâu vào lòng đá, để nó rịn ra một suối nguồn trong trẻo, chảy miệt mài cho đến mãi ngày sau. Còn nàng công chúa? Sao không ai nhắc đến nàng? Không ai nói cuối cùng nhà vua có thực hiện lời thề nguyện, dâng cho thần núi người con gái đẹp nhất của mình không?
Năm nào, dịp cuối năm Phàm cũng mang cây sào dài ra mó Vua đo phiến đá mọc. Phàm bảo với hai đứa em, năm nào đá cũng “lớn” hơn.
Một năm nọ, khi Phàm đứng một mình đo phiến đá, có một ông già trong bản ra mó Vua lấy nước. Ông già dừng lại hỏi Phàm: “Cháu đo phiến đá để làm gì thế?”.
Phàm kể cho ông già nghe, với niềm tin mãnh liệt về sự lớn lên của phiến đá. Ông già nghe xong câu chuyện của Phàm, cười ha hả: “Ta sống đã sắp hết cuộc đời rồi, chưa từng nghe chuyện đá mọc và lớn lên được. Suốt hàng trăm, hàng ngàn năm, chúng chỉ mãi như vậy mà thôi…”.
Năm nay, mải bận rộn với việc đưa mẹ về từ làng biển, Phàm quên bẵng cái việc mà bao năm qua Phàm vẫn kiên nhẫn làm, đó là đo phiến đá. Hơn hai mươi năm trước, trong một lần mẹ dẫn Phàm ra mó Vua, mẹ bảo nó là phiến đá mọc. Nếu không tin, thì chẳng hạn một ngày nào đó mẹ đi vắng, chỉ cần Phàm đo phiến đá, nếu thấy chúng lớn lên, thì nhất định mẹ sẽ trở về…
Bình luận (0)