Phiên tòa đẫm nước mắt

05/08/2012 03:20 GMT+7

Tròn một năm sau ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng, những công nhân trong xưởng may đã gặp lại vợ chồng chủ xưởng. Họ không gặp nhau ở nơi làm việc mà tại phòng xét xử, người là bị hại, kẻ trở thành bị cáo.

Phiên tòa đẫm nước mắt
Bị cáo Nhiếp Thiếu Phong (dấu x) và các đồng phạm tại tòa - Ảnh: P.H.S

Cho đến giờ này, ký ức về vụ cháy kinh hoàng tại xưởng giày Thuận Phát ở thôn Đại Hoàng 2 vào chiều ngày 29.7.2011 vẫn còn nguyên trong ký ức mỗi người dân xã Tân Dân, H.An Lão, TP.Hải Phòng. Ngọn lửa đột ngột bùng lên rồi bốc cháy dữ dội chặn ngay lối ra vào duy nhất của  xưởng  khiến hàng chục công nhân không thể thoát ra ngoài. Tiếng kêu gào thảm thiết, mùi khét lẹt bốc lên từ trong xưởng... Và những người thân, rồi cả dân làng đứng đông nghẹt phía ngoài nhưng tất cả đều bất lực nhìn ngọn lửa hoành hành. Vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của 13 người chủ yếu là nữ, trong đó có chị đang nuôi con thơ, có em chỉ mới vừa tốt nghiệp cấp 3 xin vào làm việc. Ngoài ra còn 25 người khác bị thương nặng phải đau đớn nhiều ngày ở bệnh viện cấp cứu.

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.Hải Phòng diễn ra mới đây, cáo trạng nhắc lại: ngày 29.7.2011, trong khi gần 40 công nhân đang làm việc tại xưởng làm mũ giày Thuận Phát do Bùi Thị Hiền, ở xã Tân Dân và chồng là Nhiếp Thiếu Phong (ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) làm chủ thì Bùi Thị Sự, cũng ở Tân Dân (là người cho vợ chồng Hiền thuê nhà xưởng) đã gọi Lê Văn Bảy, là thợ hàn đến hàn cột thu lôi theo yêu cầu của Hiền. Bảy gọi theo Nguyễn Văn Linh, ở huyện Tiên Lãng đến làm cùng. Trong khi Bảy hàn, tia lửa hàn đã rơi xuống bén vào các vật liệu trong xưởng và bùng cháy dữ dội.

13 di ảnh trong phòng xử án

Thân nhân của 13 người chết mang theo di ảnh của nạn nhân vào dự phiên tòa sơ thẩm diễn ra hôm 30.7.2012. Mỗi khi tên một người trong số họ được Hội đồng xét xử (HĐXX) nhắc đến là đâu đó trong phòng xử án lại bật lên tiếng khóc uất nghẹn của người thân.

Phía trên vành móng ngựa hai bị cáo Bùi Thị Hiền và Bùi Thị Sự cũng sụt sùi lau nước mắt. Những người dự phiên tòa cũng không cầm lòng được khi chứng kiến mẹ đẻ của bị cáo Bùi Thị Hiền vật vã khóc lúc HĐXX tuyên mức án dành cho Hiền. Chính hai đứa em của Hiền cũng chết thảm trong vụ cháy. Giờ lại đến Hiền phải vào tù.

 

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt Bùi Thị Hiền 11 năm tù; Nhiếp Thiếu Phong 12 năm tù; Bùi Thị Sự 7 năm tù; Lê Văn Bảy 10 năm tù và Nguyễn Văn Linh 3 năm 6 tháng tù cùng về tội “vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Chị Vũ Thị Nga, hơn 50 tuổi, thân hình nhỏ bé chằng chịt những vết sẹo ở cánh tay, ở chân vừa khóc vừa kể: “Lúc lửa cháy đến gần tôi lịm đi, khi tỉnh lại thấy mình đã ở bệnh viện, nhưng đau đớn cào xé khắp người”. Hơn hai tháng trời chống chọi với tử thần, chị được xuất viện nhưng với thương tích 76%. Cuộc sống của chị phải dựa hoàn toàn vào  hai con trai.

Một trường hợp khác là Đỗ Ngọc Hà, mới 19 tuổi nhưng thương tích của em gần 80%. Hà kể mà nước mắt cứ rơi: “Em chưa có gia đình, mới chỉ có người yêu. Vừa đi làm được một tháng thì tai họa giáng xuống, giờ với khuôn mặt biến dạng, tay chân co quắp thế này thì cánh cửa hạnh phúc dường như đã vĩnh viễn khép lại. Trên giường bệnh khi tỉnh dậy thấy bộ dạng của mình, em chỉ muốn chết”.

Cuối cùng, HĐXX cũng tuyên án, các bị cáo đã phải trả giá bằng mức án cao nhất trong khung hình phạt. Nhưng dù họ có chịu bao nhiêu năm tù, có ăn năn hối hận đến đâu thì cũng không thể bù đắp lại những mất mát của các bị hại. 25 nữ công nhân (thương tích nặng nhất là 86% và nhẹ nhất cũng là 24%) cũng sẽ phải sống trong đau đớn, tủi hờn cho đến hết cuộc đời.

HĐXX cũng tuyên trách nhiệm dân sự buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền lên đến hơn 5 tỉ đồng. Nhưng khi rời khỏi phiên tòa, các bị hại đều hiểu, số tiền ấy biết đến bao giờ các bị cáo mới có thể thi hành bởi gia đình các bị cáo cũng không khá giả gì, chủ xưởng may cũng có hai người thân thiệt mạng chỉ còn lại bố mẹ già...

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.