Phiên tòa “người thứ ba”

10/07/2011 00:09 GMT+7

Một gia đình danh giá ở Singapore đã đưa nhau ra tòa vì tranh chấp tài sản với “người thứ ba”.

Ở tuổi 82 và mắc căn bệnh Alzheimer, vị bác sĩ tâm lý từng sáng lập Bệnh viện Adam Road ở Singapore, Wong Yip Chong, hẳn không nhận thức được bi kịch đang xảy ra với gia đình mình, khởi nguồn từ 36 năm về trước.

Ngày đó, vợ ông, người đã có với ông đến 4 người con, mắc bệnh tâm thần phân liệt, khiến ông tìm đến cô trợ lý ngay tại bệnh viện mình,

 
Ông Wong Yip Chong và người vợ không chính thức Patricia Ling - Ảnh: Straits Times

Patricia Ling, nay 60 tuổi. Họ chung sống và có với nhau một con trai Wong Meng Weng nay 35 tuổi, là doanh nhân.

Năm 1981, họ mua căn nhà ở phố Chancery Hill, đứng tên bà Ling, và về ở tại đó. Căn nhà sau đó được chuyển chủ sở hữu là Công ty Wong Yip Chong, rồi tiếp tục là tên ông Wong. Năm 2004, trong dịp lễ Giáng sinh, ông Wong đã viết một chúc thư để lại căn nhà cho 3 người con trai với vợ trước, bà Ling và người con riêng với bà đồng sở hữu.

Điều đó khiến 3 người con lớn của ông, tất cả đều là bác sĩ, không bằng lòng. Chuyện “con chồng, mẹ kế” trong gia đình ông Wong là một câu chuyện dài, rối rắm và không ít lần phải nhờ đến tòa án. Riêng câu chuyện về căn nhà ở phố Chancery Hill với trị giá hiện tại 7 triệu SGD (gần 120 tỉ đồng) thì đến mức “đình đám”.

Tòa dân sự tối cao Singapore đã dự kiến một phiên tòa kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ hôm 27.6, để phân xử. Nguyên đơn là hai người con trai lớn của ông Wong, Meng Cheong (54 tuổi, bác sĩ thần kinh) và Meng Leong (49 tuổi, bác sĩ đa khoa); bị đơn là bà Ling và con trai của bà. Hai vị bác sĩ này cáo buộc bà Ling đã “gây ảnh hưởng thái quá” khiến ông Wong phải nhường một phần quyền sở hữu ngôi nhà cho bà và con bà. Họ cũng cáo buộc rằng sức khỏe của ông Wong đã xấu đi từ năm 1998 khiến ông “lái xe chuệnh choạng”, và không đảm bảo tỉnh táo lúc viết chúc thư. Họ yêu cầu tòa án hủy bỏ bản chúc thư, hoặc chí ít là chuyển trạng thái “đồng sở hữu” sang “sở hữu thông thường” đối với ngôi nhà.

Theo luật Singapore, “đồng sở hữu” tức là phải có sự đồng thuận của tất cả các bên thì ngôi nhà mới có thể được bán; và khi một người đồng sở hữu qua đời, thì quyền sở hữu của người đó được chuyển cho những người đồng sở hữu còn lại. Còn, “sở hữu thông thường” là mỗi người đồng sở hữu có quyền đơn phương bán đi phần sở hữu của mình.

Trong vụ án này, người con trai thứ ba với vợ trước của ông Wong hiện là bác sĩ tâm lý ở Hồng Kông cũng được triệu tập làm nhân chứng cho nguyên đơn. Tại các phiên đối chất giữa luật sư của bà Ling và luật sư của con trai bà với bên nguyên đơn, người ta đã nhận ra nhiều tình tiết bất hợp lý trong lời khai của các nguyên đơn. Chẳng hạn năm 2001, chính bác sĩ Meng Leong làm giấy chứng nhận cha ông đủ sức khỏe để lái xe; hoặc năm 2005, ông Wong còn ký nghị quyết bán cổ phần công ty của mình cho các con… Các chi tiết đó chứng tỏ ông Wong hoàn toàn đủ năng lực dân sự lúc viết chúc thư. Ngoài ra, luật sư của bà Ling cũng trưng ra nhiều bút lục của ông Wong cho thấy ông hoàn toàn có ý định giao căn nhà nói trên cho mẹ con bà Ling.

Phiên tòa đang tiếp diễn, phần thắng chưa biết thuộc về ai, nhưng đến nay phần thua về danh dự đã thuộc về các bác sĩ bên nguyên đơn.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.