Phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng bất ngờ tạm dừng

Vũ Hân
Vũ Hân
20/06/2018 17:14 GMT+7

Chiều 20.6, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) góp 800 tỉ đồng vào OceanBank bất ngờ tạm dừng theo đề nghị của Viện kiểm sát.

Ngay khi phiên làm việc buổi chiều bắt đầu, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị hội ý với hội đồng xét xử. Sau 5 phút hội ý, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố phiên xét xử ngày hôm nay (20.6) tạm dừng.
Do tín hiệu tại phòng báo chí bị ngắt sớm, lý do phiên xét xử kết thúc sớm hơn dự kiến không được thông tin cụ thể. Trao đổi với một số luật sư, được biết lý do tòa nghỉ là do phần xét hỏi buổi sáng xuất hiện một số tình tiết mới cần được làm rõ.
Trong buổi sáng, hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi với các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức, đều nguyên là thành viên Hội đồng thành viên PVN; và các nhân chứng là bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, bà Bùi Hà Châu, ông Lê Hải Ninh, nguyên là các thành viên tổ thư ký giúp việc.
Bị cáo Vũ Khánh Trường, người bị cáo buộc liên quan lần góp vốn thứ 2 (300 tỉ đồng, người trực tiếp ký nghị quyết) và lần thứ 3 (100 tỉ đồng, biểu quyết đồng ý) của PVN vào OceanBank, đã kháng cáo đề nghị tòa giảm hình phạt và miễn phần trách nhiệm dân sự.
Trước đó, bản án sơ thẩm đã tuyên bị cáo Vũ Khánh Trường 5 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bồi thường 40 tỉ đồng cho PVN.
Chủ tọa phiên tòa lưu ý “nếu bị cáo xin giảm hình phạt tức là bị cáo thừa nhận là có phạm tội” và yêu cầu bị cáo trình bày căn cứ xin giảm án.
Lý do xin giảm án được bị cáo Vũ Khánh Trường trình bày là: không biết luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có hiệu lực nên vô tình vi phạm trong lần góp vốn thứ 3; bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho PVN, được nhận nhiều huân huy chương; bố mẹ ốm đau...
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo này cho rằng, việc mất 800 tỉ, nếu có, thì không chỉ là trách nhiệm của Hội đồng thành viên PVN, mà trước hết do lãnh đạo OceanBank chịu trách nhiệm.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, người trực tiếp ký nghị quyết số 4266 (năm 2011) góp vốn lần 3 (100 tỉ đồng) vào OceanBank cũng kháng cáo đề nghị được hưởng án treo và miễn bồi thường dân sự 15 tỉ đồng cho PVN.
Tại bản án sơ thẩm, bị cáo này bị tuyên phạt 22 tháng tù giam.
Lý do bị cáo xin giảm án là khi ký nghị quyết bị cáo chưa cập nhật các văn bản pháp luật; hành vi cố ý làm trái đã không còn trong bộ luật Hình sự; bị cáo có nhiều cống hiến, hiện việc tuổi cao, nhiều bệnh (cao huyết áp, tiền liệt, sỏi mật) nên xin tại ngoại để ở nhà chăm sóc sức khỏe.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo này cho rằng, do bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, đã phải bồi thường cho PVN trong phiên tòa khác, nên bị cáo bồi thường nữa sẽ bị trùng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, người đã biểu quyết đồng ý góp vốn lần 3, cũng xin kháng cáo giảm thời hạn chấp hành hình phạt và giảm nhẹ phần bồi thường với lý do bị cáo không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, mà do không nhận thức được pháp luật. Bên cạnh đó, PVN cũng đã có công văn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; cũng như bị cáo đã có nhiều thành tích trong công tác...
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Liêm bị tuyên phạt 20 tháng tù treo và bồi thường 15 tỉ đồng.
Bị cáo Phan Đình Đức khẳng định không phạm tội
Riêng bị cáo Phan Đình Đức đã kháng toàn bộ bản án và tiếp tục khẳng định mình không tham gia biểu quyết lần góp vốn nào của PVN vào OceanBank, do đó không có tội.
Bản án sơ thẩm đã tuyên bị cáo này 15 tháng tù treo và bồi thường 15 tỉ đồng cho PVN với hành vi ký vào văn bản số 124 ngày 12.5.2011 của Ban Giám đốc PVN xin ý kiến về việc góp vốn bổ sung lần 3 vào OceanBank, đồng nghĩa với việc tán thành việc góp vốn này.
Tuy nhiên, bị cáo Phan Đình Đức cho rằng, việc mình ký vào văn bản 124 không có nghĩa là đồng ý việc góp vốn, vì bị cáo ký vào ngày 17.5.2011, trong khi văn bản nêu rõ là thời hạn cuối cùng cho ý kiến là ngày 15.5.2011, và nghị quyết 4266 đã được ký vào ngày 16.5.2011.
Khi hội đồng xét xử trích lại bút lục 2068, tại đó bị cáo khai “đã đồng ý” với báo cáo 124, bị cáo Phan Đình Đức cho biết việc đồng ý với báo cáo 124 là “về nhận thức”, còn “về hành vi” thì bị cáo không vi phạm, vì đã quá thời hạn cho ý kiến.
Thêm vào đó, bị cáo cho rằng mình không nhận được dự thảo nghị quyết 4266 cùng với văn bản 124, nên việc ký vào văn bản không đồng nghĩa với việc biểu quyết đồng ý thông qua nghị quyết.
Các bị cáo khác là thành viên Hội đồng thành viên PVN như Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm đều cho biết mình cũng không nhận được dự thảo nghị quyết, dù nhân chứng Nguyễn Thị Thủy Tiên khẳng định mình đã chuyển toàn bộ hồ sơ, bao gồm các dự thảo nghị quyết đến các thành viên Hội đồng thành viên.
Nhân chứng Nguyễn Thị Thủy Tiên cũng đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm xem lại một số chi tiết ở bản án sơ thẩm, cho rằng “chị Thủy Tiên khẳng định sau khi tập hợp kết quả biểu quyết để trước khi ban hành nghị quyết có 4/7 thành viên Hội đồng thành viên đồng ý, trong đó có Phan Đình Đức”.
Nhân chứng cho biết, do thời gian quá lâu nên không nhớ bị cáo Phan Đình Đức ký văn bản khi nào (ngày 13.5.2011 hay 17.5.2011) và đề nghị căn cứ vào kết quả giám định.
Theo kết quả giám định (phải thực hiện do bị cáo Đức cho biết mình bị tật run tay, nên viết ngày không rõ), thì bị cáo không ký văn bản vào ngày 13.5.2011, nhưng không đủ cơ sở để kết luận bị cáo ký vào ngày 17.5.2011 hay ngày nào khác. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.