Phiếu bầu hải ngoại quyết định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ?

26/10/2024 06:00 GMT+7

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay có thể được phân định kết quả ứng viên nào làm Tổng thống Mỹ bởi những phiếu bầu từ bên ngoài nước này.

Sức mạnh từ các lá phiếu hải ngoại

Theo diễn biến đến nay, kết quả bỏ phiếu ở 7 bang "chiến địa" được đánh giá mang tính quyết định chiến thắng chung cuộc ai làm Tổng thống Mỹ trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay. Đó là 7 tiểu bang: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.

Tuy nhiên, các kết quả khảo sát mới nhất cho thấy cả hai ứng viên là cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Phó tổng thống Kamala Harris đều không dành ưu thế tuyệt đối ở bang chiến địa nào, hầu hết chỉ chênh lệch 1% hoặc 2% về tỷ lệ ủng hộ. Mức chênh lệch này chỉ tương đương mức sai số, nên gần như tình trạng hiện tại là "bất phân thắng bại".

Phiếu bầu hải ngoại quyết định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ?- Ảnh 1.

Một điểm bỏ phiếu ở bang Florida (Mỹ) trong cuộc bầu cử năm nay

ẢNH: REUTERS

Với biên độ chênh lệch quá thấp như vậy trong các cuộc thăm dò cử tri đang sống tại các tiểu bang trên, theo phân tích của Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, những lá phiếu từ người Mỹ ở nước ngoài có thể mang tính quyết định.

Theo chương trình Hỗ trợ bầu cử liên bang Mỹ (FVAP), có khoảng 3 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu đang sống bên ngoài nước Mỹ. Khoảng 20% trong số này đang sống tại Canada. Một số đông đáng kể khác là binh sĩ, sĩ quan quân đội Mỹ cùng thân nhân đang đóng quân ở nhiều nơi. Theo quy định, phiếu bầu của những người Mỹ từ nước ngoài cũng được phân loại tính theo tiểu bang dựa theo nơi đăng ký cư trú tại Mỹ. Ví dụ năm 2020, có đến 40% số phiếu từ nước ngoài được tính cho các tiểu bang California, Florida và Washington. Năm nay, ước tính phiếu bầu của khoảng 1,6 triệu người Mỹ đang ở nước ngoài sẽ được tính cho 7 bang "chiến địa".

Bầu cử Mỹ: Các nhóm bên ngoài đã tung 1 tỉ USD vào gây tác động

Lợi thế cho đảng Dân chủ ?

Cả cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và cựu Đại sứ Mỹ tại Canada Bruce Heyman đều nhận định phiếu bầu từ nước ngoài có thể quyết định kết quả của cuộc đua tổng thống năm nay. Thậm chí, cựu Đại sứ Heyman đánh giá chỉ riêng người Mỹ ở Canada có thể tác động lớn đến kết quả bầu cử, vì phần đáng kể trong số hơn 600.000 phiếu bầu này được tính cho các bang "chiến địa" như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Vì thế, nhiều thành viên đảng Dân chủ đang thúc giục tăng cường vận động để thu hút số phiếu bầu từ hải ngoại.

Đảng Dân chủ đang cố gắng tranh thủ số cử tri ở nước ngoài thông qua gói ngân sách vận động nhóm này lên đến 300.000 USD. Phía đảng Dân chủ còn cử người đến từng gia đình người Mỹ đang sống ở TP.Windsor (tỉnh bang Ontario, Canada), chỉ cách TP.Detroit (bang Michigan, Mỹ) một con sông, để vận động bỏ phiếu cho ứng viên Harris.

Tổ chức đảng Dân chủ Mỹ ở hải ngoại tuyên bố họ đã đóng vai trò "then chốt" trong việc tăng cường số phiếu bầu từ nước ngoài vào năm 2020 lên 73,5% so với năm 2016. Nhờ đó, kết quả được cho là số phiếu bầu từ nước ngoài đã tạo ra biên độ chiến thắng cho ông Joe Biden vào năm 2020 tại các bang Georgia và Arizona (đều nằm trong danh sách 7 bang "chiến địa"). Sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc tranh cử, việc đăng ký của cử tri bên ngoài nước Mỹ thông qua tổ chức đảng Dân chủ tại nước ngoài đã tăng 100%. Đây là diễn biến có thể mang tính quyết định.

Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa đang tìm cách thu hút phiếu bầu của các cử tri Mỹ ở nước ngoài bằng cam kết chấm dứt đánh thuế 2 lần. Ngoài ra, phía đảng Cộng hòa đang đẩy mạnh các vận động pháp lý liên quan vấn đề cử tri vắng mặt, đồng thời sẵn sàng tìm cách vô hiệu hóa tính hợp pháp của phiếu bầu từ nước ngoài.

Luật sư của ông Trump tìm cách bác bỏ việc xét xử vụ 6.1

AFP đưa tin cựu Tổng thống Trump ngày 24.10 (theo giờ Mỹ) tuyên bố nếu đắc cử sẽ ngay lập thức sa thải ông Jack Smith - công tố viên đặc biệt đã đưa ra 2 vụ kiện liên bang nhằm vào ông Trump. Phát biểu vừa nêu khiến chiến dịch tranh cử của bà Harris cáo buộc ông Trump nghĩ rằng bản thân "đứng trên luật pháp".

Cũng theo sau phát biểu trên, đội ngũ luật sư của cựu Tổng thống Trump đệ đơn cho thẩm phán liên bang Tanya Chutkan đề nghị bác bỏ vụ án quy trách nhiệm ông Trump thực hiện các hành động bất hợp pháp nhằm duy trì quyền lực sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020, cụ thể là dẫn đến vụ bạo động ở Điện Capitol vào ngày 6.1.2021. Phía luật sư của ông Trump lập luận rằng công tố viên Jack Smith đã được tài trợ và bổ nhiệm bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo giới quan sát, thẩm phán Chutkan khó có thể đồng ý với lập luận này. Vị thẩm phán từng chỉ trích đội ngũ luật sư của ông Trump đã "tập trung vào luận điệu chính trị hơn là giải quyết các vấn đề pháp lý hiện nay".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.