|
Ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines phát biểu hôm 1.12 rằng, Trung Quốc nên “nói đi đôi với làm” và ngừng hoạt động xây dựng trái phép trên biên biển Đông, rút lại “sự hiện diện quá mức” của nước này tại các khu vực có tranh chấp trên biển Đông.
“Chúng tôi nhắc lại rằng tuyên bố của Trung Quốc về những mục tiêu hòa bình nếu đi đôi với hành động tương ứng sẽ giúp đảm bảo ổn định và an ninh trên biển Đông”, ông Jose nói.
Trong bài phát biểu tại một kỳ họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề đối ngoại hồi cuối tuần rồi, ông Tập nói: “Chúng ta quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải, lợi ích và đoàn kết dân tộc Trung Quốc”, khẳng định Bắc Kinh sẽ “xử lý thỏa đáng những vụ tranh chấp lãnh thổ”, nhưng không nói cụ thể là tranh chấp lãnh thổ với những nước nào.
Ông Tập khẳng định Bắc Kinh theo đuổi “phát triển hòa bình” và phản đối “việc sử dụng hay đe dọa vũ lực”, theo Tân Hoa xã.
Nhưng trước đó, lãnh đạo Mỹ, Úc và Nhật Bản hồi đầu tháng này kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh hải, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột ở châu Á do tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia láng giềng ở biển Đông. Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả biển Đông, lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm gần hết biển Hoa Đông.
Bắc Kinh ngang ngược tiến hành các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam với mưu đồ lập các căn cứ quân sự, sân bay. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã ngang ngược đưa giàn khoa Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, bất chấp sự phản đối từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh sau đó rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam vào tháng 7.
|
Ông Jose cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Philippines tiếp tục phối với các nước Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN từng ký kết DOC nhưng DOC không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Và COC là một bước tiếp theo của DOC, nhưng mãi đến nay Trung Quốc và ASEAN vẫn chưa thể thống nhất để đưa ra COC. Các chuyên gia từng nhận định Bắc Kinh đang cố tình trì hoãn đàm phán COC.
Trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times (Singapore) hồi 19.11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết việc Manila kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là không cần thiết nếu có COC.
Tuy nhiên, ông Aquino nói hiện vẫn chưa có COC nên Philippines vẫn kiên quyết tiếp tục theo đuổi vụ kiện phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, nuốt trọn gần cả biển Đông. Manila chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Liên Hiệp Quốc về luật Biển (ITLOS) vào năm 2013.
Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Căng thẳng Trung Quốc - Nhật Bản leo thang kể từ tháng 9.2012, khi đó Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu tuần duyên Trung - Nhật thường xuyên "đụng độ", chơi trò "mèo vờn chuột" tại vùng biển gần quần đảo này.
Phúc Duy
>> Obama cảnh báo nguy cơ xung đột lãnh thổ ở châu Á
>> Philippines sẽ không kiện Trung Quốc nếu có COC
>> Biển Đông 'ảnh hưởng mạnh' hòa bình khu vực
>> Trung Quốc điều chiến hạm ra biển Đông săn tàu ngầm
>> Trung Quốc sẽ chịu áp lực vấn đề biển Đông tại ASEAN
Bình luận (0)