Philippines lên án lá bài 'hải đăng' của Trung Quốc ở Biển Đông

21/10/2015 08:16 GMT+7

Philippines tố cáo việc Trung Quốc xây 2 ngọn hải đăng phi pháp ở Biển Đông là mưu đồ nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực này.

Philippines tố cáo việc Trung Quốc xây 2 ngọn hải đăng phi pháp ở Biển Đông là mưu đồ nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực này.

Bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp - Ảnh: CSISBãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của VN bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp - Ảnh: CSIS
Tuyên bố gay gắt trên được đưa ra bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức tuần qua ở Bắc Kinh với sự tham dự của các nước ASEAN.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng trên bãi Châu Viên và Gạc Ma. Những hành động này rõ ràng có mưu đồ thay đổi tình hình thực tế nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ không chấp nhận những hành động đơn phương này như là sự đã rồi”, trang tin Rappler hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose khẳng định.
Theo Reuters, Bắc Kinh hôm qua 20.10 đã lập tức lên tiếng trước cáo buộc của Manila. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngang ngược ngụy biện rằng việc xây dựng các hải đăng trên “không phải là vấn đề thay đổi hiện trạng” do chúng nằm trong khu vực mà Trung Quốc “hiện đã có chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông.
Philippines từng phản ứng mạnh với những nỗ lực của Trung Quốc hòng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, bao gồm hoạt động bồi đắp đất gần đây nhằm biến các bãi đá thành đảo nhân tạo vốn có thể được trưng dụng để lập cơ sở quân sự. Manila cũng đã nộp hồ sơ kiện yêu sách chủ quyền trên biển của Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Tại Diễn đàn Hương Sơn tuần trước, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long cam kết nước này “sẽ không bao giờ tùy tiện dùng vũ lực, ngay cả trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền”. Tuy nhiên, tờ Want China Times hôm qua 20.10 đưa tin tướng Trung Quốc La Viện cảnh báo nước này có thể sử dụng “biện pháp cứng rắn” để bảo vệ chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông, nếu lằn ranh cuối cùng về quyền lợi quốc gia của họ bị xâm phạm.
Cũng hôm 20.10, Hãng thông tấn Antara dẫn lời Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), tướng Gatot Nurmantyo tái khẳng định cam kết duy trì an ninh và ổn định tại Biển Đông. Ông Nurmantyo cho biết chính phủ Indonesia đã kêu gọi các bên không tiến hành những hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này. “Điều đó có nghĩa là bất cứ nước nào mời chúng ta tập trận chung tại Biển Đông, TNI sẽ không nhận lời vì sự ổn định trong khu vực”, ông nói.
Trước đó, tại cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã đề nghị tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông với các nước ASEAN.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đài ABC News ngày 20.10 đưa tin cựu Ngoại trưởng Úc Gareth Evans đã đề nghị Canberra triển khai tàu chiến đến khu vực nhằm phản đối hoạt động xây đảo của Bắc Kinh tại đây. Trong các cuộc hội đàm cấp cao với Mỹ tuần qua, Úc đã đồng ý tăng cường hợp tác hải quân ở Biển Đông nhưng chưa tính đến việc tham gia tuần tra khu vực cùng lực lượng Mỹ. Theo ông Evans, Canberra có thể tự mình hành động.
“Phía Mỹ hoàn toàn có lý khi muốn tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo nhằm thể hiện quan điểm không chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở đó. Úc cũng cần phải làm như vậy, dù không nhất thiết phối hợp với Mỹ”, ông Evans tuyên bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.