Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đưa ra ngày 13.4 khi trả lời AFP về quan hệ đồng minh Manila - Washington. “Theo hiệp ước phòng thủ chung, chúng tôi sẽ hành động phối hợp nếu Philippines hoặc Mỹ bị tấn công. Và sẽ hợp lý khi nói rằng trong trường hợp Philippines hoặc đồng minh hiệp ước bị tấn công thì Mỹ sẽ được phép sử dụng các căn cứ của chúng tôi”, ông Rosario cho hay. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng nói chính phủ nước này sẵn sàng cho phép Mỹ đóng căn cứ tại nước này trong trường hợp xảy ra tình huống cực kỳ khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên.
|
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên đang rất “nóng” còn bản thân Philippines đang có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông. Trên thực tế, phần lớn chuyên gia tin rằng khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên không quá lớn và Mỹ cũng chưa hề thể hiện ý định cần bất cứ bên nào hỗ trợ về quân sự trong vấn đề Triều Tiên ngoài 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, theo giới quan sát, Philippines đang tận dụng tình thế hiện tại để khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ với hàm ý chính thực chất không phải nhắm vào Triều Tiên mà là chuyện ở biển Đông.
Cũng trong ngày 13.4, ông John Kerry có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Theo AP, trọng tâm thảo luận kín giữa ông Kerry với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị chính là vấn đề Triều Tiên. Lâu nay, Washington thường xuyên thúc giục Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Chưa rõ hai bên có đạt được đồng thuận nào không khi trong tất cả các phát biểu chính thức đều tránh đề cập vấn đề cụ thể mà chỉ nói Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, giữ vững hòa bình ổn định trong khu vực.
AFP dẫn lời Ngoại trưởng Kerry nói với Chủ tịch Tập rằng: “Tình hình bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân Iran, khủng hoảng tại Syria và nền kinh tế thế giới đang trong thời điểm nguy hiểm”. Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 13.4 đăng bài xã luận cáo buộc chính sách tăng cường quân sự của Mỹ tại châu Á là một trong những tác nhân gây lo ngại trong khu vực và “đổ dầu vào lửa” trên bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên thành lập Bộ Công nghiệp hạt nhân Theo KCNA, Quốc hội CHDCND Triều Tiên vừa thông qua quyết định thành lập Bộ Công nghiệp hạt nhân nhằm đẩy mạnh năng lực vũ khí hạt nhân và theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bộ này có nhiệm vụ cung cấp vật liệu phân hạch chất lượng cao và được phân quyền độc lập trong lĩnh vực hạt nhân. Trong khi đó, phát biểu tại Seoul ngày 12.4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định nước này không bao giờ chấp nhận Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân. |
Lê Loan
>> Philippines đề nghị cho Mỹ mượn căn cứ đánh Triều Tiên
>> Mỹ đề nghị Trung Quốc ngừng cấp dầu cho Triều Tiên
>> Triều Tiên lập Bộ Công nghiệp hạt nhân
>> Trung Quốc diễn tập báo động không kích sát biên giới Triều Tiên
>> Tướng Mông Cổ bị “vịn” vì một vụ mua bán với Triều Tiên
Bình luận (0)