Các khách mời thảo luận về chủ đề phân loại phim 18+ |
Cine Talk |
Giữa tháng 6.2022, luật Điện ảnh sửa đổi đã được thông qua với quy định về phân loại phim khi phát hành, trình chiếu, đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim mạnh dạn sản xuất, trình làng những tác phẩm theo đúng quy định, cũng như mở ra nhiều lựa chọn thưởng thức nghệ thuật cho công chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng những cảnh nóng trong phim để truyền tải ý đồ nghệ thuật hay lợi dụng chúng như một công cụ câu khách lại là chủ đề tạo ra nhiều tranh luận. Trong buổi trò chuyện Cine Talk được phát vào tối 27.7 trên kênh YouTube Yeah1TV, diễn viên Hạnh Thúy - Ủy viên Ban chấp hành Hội điện ảnh TP.HCM, cùng vợ chồng đạo diễn, diễn viên kiêm nhà sản xuất Aaron Toronto - Nhã Uyên đã bàn luận khá sôi nổi về chủ đề này.
Diễn viên Hạnh Thúy và các khách mời cho rằng những cảnh nóng trong phim là cần thiết trong trường hợp chúng góp phần khắc họa nhân vật, câu chuyện mà nhà làm phim muốn truyền tải. Tuy nhiên nếu người làm nghề chỉ chú trọng việc sử dụng cảnh nóng như là công cụ chính thì sẽ tạo ra những bộ phim dễ dãi, trần trụi |
cine talk |
Sống trong sợ hãi, Bi ơi, đừng sợ! cho đến Kiều là những cái tên khi nhắc về cảnh nóng trong phim Việt khán giả thường nhớ đến. Nếu Kiều bị xem là lạm dụng cảnh nóng thì Sống trong sợ hãi và Bi ơi, đừng sợ! lại được nhiều khán giả xem là nghệ thuật. Vậy thì việc ngăn chặn những cảnh nóng trong phim cũng lại là một con dao hai lưỡi, có thể ngăn cấm sự dung tục nhưng cũng lại cắt đứt những cơ hội sáng tạo cho các nhà làm phim. Trao đổi về vấn đề trên, nghệ sĩ Hạnh Thúy cho rằng với các phim khiêu dâm thì việc ngăn chặn các trang web đen ở Việt Nam đang được thực hiện với nhiều biện pháp nhưng vẫn còn khá khó khăn. Còn với phim nghệ thuật thì chỉ nên hạn chế chứ không nên ngăn chặn.
Đạo diễn Aaron Toronto cũng đồng ý với ý kiến này. Anh cũng chia sẻ thêm về quan điểm ngăn chặn các trang web đen ngoài việc của nhà nước thì còn là nhiệm vụ của cha mẹ, họ cần kiểm soát con cái tiếp cận với những văn hóa phẩm không phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm 18+ đem lại những giá trị riêng cho khán giả, bằng chứng như series Sex Education trên Netflix xoay quanh câu chuyện về những học sinh trung học khám phá những vấn đề về giới tính trong cuộc sống của họ. Nhà làm phim phân tích: “Sẽ có nhiều người xem phim này và hiểu được nhiều thứ thông qua đó, tác phẩm mang tính giáo dục, giúp đỡ những người chưa được giáo dục về chuyện đó (tình dục) cho nên nó mang đến tác dụng đối với xã hội”.
Đạo diễn Đêm tối rực rỡ cho rằng ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm nhiều khi khó phân định |
cine talk |
Như vậy, việc ngăn chặn cảnh nóng trong điện ảnh đa phần được sự đồng thuận ở chỗ không cần thiết, tuy nhiên, việc phân định giữa phim khiêu dâm với phim có cảnh nóng lại là một điều rất khó lượng hóa. Các khách mời cũng chia sẻ về khía cạnh pháp lý khi dẫn chứng những quy định về chủ đề này. Diễn viên Hạnh Thúy cho rằng: “Trong luật điện ảnh vẫn có những ranh giới về những bộ phim không được vi phạm thuần phong mỹ tục, không được chứa cảnh khiêm dâm, không được thô tục thì có hết trong luật. Nhưng mà như thế nào, cụ thể, chi tiết để người ta có thể bám vào để biết rằng cái này không được làm hay cái kia không được làm thì không có. Mọi quy chuẩn mọi định nghĩa chỉ ở mức độ khái niệm thôi chứ chưa rõ ràng”.
Đạo diễn Aaron Toronto nói thêm: “Nó sẽ không bao giờ rõ ràng vì ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm quá chủ quan”. Anh dẫn chứng: “Bên Mỹ có một cái luật rất rõ ràng họ nói rất cụ thể là cho thấy bao nhiêu % của ngực, đầu ngực hay mông, hay là vùng kín thì sẽ gắn mác này (18+). Nó cụ thể đến vậy cho nên chúng ta có thể kiểm soát một cách khoa học nhưng đương nhiên nó sẽ không tuyệt đối được bởi vì cái định nghĩa nghệ thuật lúc nào cũng chủ quan”.
Biên kịch Nhã Uyên cho rằng khán giả cần lựa chọn các tác phẩm mà họ muốn xem và định nghĩa tác phẩm đó như thế nào |
cine talk |
Nếu xét trên khía cạnh nghệ thuật là yếu tố chủ quan thì liệu rằng đạo diễn có phải là người sẽ quyết định? Đã có rất nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra khi các phim được công chiếu vài ngày đã bị rút khỏi rạp, không chỉ gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư phim mà còn tạo nên sự hụt hẫng của đội ngũ sáng tạo bộ phim đó. Vì vậy, việc quyết định lạm dụng cảnh nóng trong phim hay không và tiết chế nó ở mức độ nào cũng giống như việc đi trên dây của các đạo diễn. Đứng về phía khán giả, nhà sản xuất, biên kịch Nhã Uyên cho rằng: “Đối với em thì việc gắn mác rất là văn minh rồi. Và chúng ta nên trao quyền cho khán giả để khán giả lựa chọn các tác phẩm mà họ muốn xem và họ định nghĩa tác phẩm đó như thế nào. Tại vì chúng ta không thể nhận định giúp tất cả mọi người được”.
Ở khía cạnh một người sáng tác, diễn viên Hạnh Thúy cho rằng: “Bản lĩnh và ý thức của người sáng tác rất quan trọng. Và làm sao để khán giả đến rạp xem một bộ phim có rất nhiều cảnh nóng 18 + nhưng cái họ đọng lại không phải là những cảnh nóng đó mà là cái cảm xúc và câu chuyện của người sáng tác đã kể, Thúy nghĩ đó mới là một bộ phim thành công”.
Với đạo diễn Aaron, anh cho rằng cảnh nóng là một công cụ, vũ khí để sáng tạo, có thêm lựa chọn thì thêm công cụ nhưng nó không phải là một xu hướng làm phim.
Một trong những rào chắn mà các nhà làm phim luôn quan ngại khi quyết định lựa chọn đưa vào những cảnh nóng trong phim, đó là những quy định về thuần phong mỹ tục. Vì giá trị về văn hoá là những điều luôn thay đổi theo thực tế đời sống nên hành lang pháp lý dành cho vấn đề này cũng khó được phân định. Dĩ nhiên là những yếu tố như loạn luân hay ngợi ca cái ác thì ở nền văn hoá nào cũng không được khuyến khích, thậm chí là ngăn cấm. Còn với các yếu tố còn lại như lối sống, quan niệm về tình yêu, tình dục là những thứ đã có sự thay đổi nhất định theo thời gian. Do đó nhà sản xuất Nhã Uyên cho rằng nếu dựa vào những điều cố định mà hạn chế trong sáng tạo thì sẽ thiệt thòi cho những người làm nghề.
Diễn viên Hạnh Thúy nhận định nếu người làm nghề chỉ chú trọng việc sử dụng cảnh nóng như là công cụ chính thì sẽ tạo ra những bộ phim dễ dãi, trần trụi. "Mỗi người nghệ sĩ sẽ phải xây dựng cho mình rào chắn ý thức để ở đó chúng ta có thể thỏa mãn được cái tôi của mình nhưng mà vẫn có một cái phương cách biểu đạt phá cách hơn, bùng nổ hơn mà vẫn không phải lấn qua bốn chữ thuần phong mỹ tục”.
Từ các chia sẻ, cảnh nóng trong phim không phải là chủ đề còn quá nhiều mâu thuẫn trong nhận định của người làm nghề. Việc quy định gắn nhãn mác về độ tuổi xem phim đã nhận được nhiều sự đồng thuận và tuân thủ. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim được thoải mái sáng tạo và khán giả cũng có thêm nhiều lựa chọn giải trí khác nhau.
Bình luận (0)