Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng 22.12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bắt đầu câu chuyện về công nghiệp văn hóa bằng những trải nghiệm về điện ảnh Hàn Quốc: "Có những lúc tôi thấy phụ nữ VN ở Hà Nội, ở TP.HCM tô son môi màu sẫm. Vì sao, vì tô son môi theo phim Hàn Quốc, diễn viên điện ảnh Hàn Quốc. Ý tôi muốn nói là lực hấp dẫn của văn hóa tạo thành hiệu ứng lớn như thế. Người ta tính trung bình mỗi phim Hàn Quốc quảng cáo 27 sản phẩm, từ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ… Phải nói là phim Hàn Quốc đi tới đâu, sản phẩm Hàn Quốc đi tới đó".
Ông cũng đề cập những cửa hàng tiện ích Hàn Quốc tại TP.HCM và Hà Nội có lối bài trí, nhận diện y hệt như trong phim. Điều đó thúc đẩy khách hàng khi bước vào đều muốn trải nghiệm sản phẩm Hàn Quốc, từ ăn mì, kim chi hay mua sâm về để hầm gà kiểu Hàn Quốc. "Không gian mỹ thuật sáng tạo đó cũng chính là công nghiệp văn hóa. Chúng ta cứ nhìn du lịch mà xem, một phim trường Nàng Dae Jang-geum tạo thành một khu du lịch, người ta đến ăn uống những món trong phim đó. Phim trường Thần y tạo một làng bán những thang thuốc như trong phim", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.
"Chúng ta phải nhìn văn hóa ở câu chuyện bán hàng. Ở VN, lần đầu tiên chúng ta thấy Phú Yên lấy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh làm thương hiệu cho Phú Yên… Tôi cũng xúc động khi ở Lục Ngạn vừa rồi các em thiếu nữ lấy vải kết thành hoa trên đầu, dùng vườn vải thiều tổ chức thời trang, để kết nối bán hàng", ông nói thêm.
Bên cạnh đó, bà Tô Nam Phương, Giám đốc Truyền hình FPT, cho biết các sự kiện quy mô và hoạt động thể thao điện tử (eSport, game streaming) đã tạo ra cộng đồng người chơi tại VN lên tới 50 triệu người, cùng cơ hội quảng cáo, thúc đẩy tiêu dùng đa dạng. Tại Singapore, Thái Lan…, các sự kiện eSport được Chính phủ hỗ trợ đã tạo nên các sự kiện quốc tế, thúc đẩy không chỉ riêng ngành game mà cả du lịch và tiêu dùng.
Đạo diễn Việt Tú thì lấy ví dụ về 2 đại diện tiêu biểu của nhạc K-pop là BlackPink và BTS. Theo đó, mỗi năm, các thương hiệu như BTS và BlackPink đem lại hơn 3,51 tỉ USD cho nền kinh tế nội địa, thu hút hàng triệu khách du lịch đến Hàn Quốc, kích thích chi tiêu hơn 4 tỉ USD/năm.
Cũng về con số, theo Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa trong nước đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 - 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
"So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, VN đang là quốc gia trung bình về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)