Phim hợp tác nước ngoài thành... bom xịt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
21/10/2018 07:15 GMT+7

Rình rang khi bắt đầu bấm máy, nhiều phim Việt hợp tác với nước ngoài khiến công chúng háo hức chờ đợi như một “bom tấn” phòng vé; thế nhưng khi ra rạp, chất lượng phim lại quá kém.

Đầu voi đuôi chuột
Trước khi muốn hợp tác với các nước thì điện ảnh Việt nên phát triển chính thị trường trong nước, đi lên từ nội lực. Cần dấn thân, tìm ra cái gì đó thật mới, thật khác biệt thì mới có thể vươn xa
 
Phim hợp tác nước ngoài luôn được kỳ vọng về mặt chất lượng, với nhiều mới mẻ và đột phá, bởi được quảng bá rầm rộ, song hầu hết chỉ “có tiếng mà không có miếng”. Không ít bộ phim hợp tác thành “bom xịt” khiến khán giả thất vọng.
Những cô gái và găng tơ - bộ phim hợp tác giữa VN và Hồng Kông (Trung Quốc) với Trần Bảo Sơn vừa là nhà sản xuất, diễn viên, có sự góp mặt của võ sĩ Mike Tyson, cùng dàn sao nữ châu Á như Trương Quân Ninh, Trần Y Hàm, Tiết Khải Kỳ… Phim khai thác thể loại hài hành trình nhưng khiên cưỡng, vấp phải rất nhiều “hạt sạn” trong kịch bản, kỹ xảo, lời thoại lẫn cách diễn. Dàn diễn viên nước ngoài diễn cường điệu quá lố... Cùng một phân cảnh, các nhân vật nói với nhau loạn xạ bằng đủ thứ tiếng Trung, Anh, Việt, Hàn dù khẩu hình hoàn toàn lệch pha do lồng tiếng ẩu. Sự xuất hiện của Mike Tyson cũng chẳng cứu nổi bộ phim.
Là một trong số những dự án được nhiều người trông đợi nhất đầu năm nay bởi dàn diễn viên trẻ đình đám của 2 quốc gia Việt - Hàn như Chi Pu, San E, Jung Chae-yeon và Jin Ju-hyung... nhưng rốt cuộc Lala: Hãy để em yêu anh lại chỉ là “bom xịt” từ kịch bản, nội dung đến diễn xuất của dàn diễn viên cùng bối cảnh phim nghèo nàn. Chuyện phim vốn dĩ rất đơn giản nhưng ê kíp lại khiến nó rối và dài lê thê bằng cách lặp đi lặp lại đan xen quá khứ, hiện tại.
Phim hợp tác VN - Trung Quốc thành thảm họa xuyên quốc gia là Yêu em từ khi nào ra rạp đầu tháng 2 năm nay với sự tham gia của Khả Ngân (diễn viên VN), Tôn Vĩ Luân (Trung Quốc)... Phim được cài cắm hàng loạt chi tiết cũ từng xuất hiện trong những phim bộ nổi tiếng của TVB với thoại thì nam chính nói tiếng Hoa, còn nữ chính lại nói tiếng Việt nhưng hai người vẫn hiểu nhau, yêu nhau.
Poster phim Những cô gái và găng tơ

Làn sóng phim hợp tác với nước ngoài vẫn tiếp tục. Mới đây, buổi ra mắt đoàn phim Thiên đường do Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân và Park Hee-jun đạo diễn diễn ra ở TP.HCM với sự tham gia của ngôi sao Hàn Quốc Han Jae-suk, Lý Nhã Kỳ và ê kíp đến từ nhiều nước Hàn Quốc, Bỉ, VN… Ngô Thanh Vân hợp tác Hãng Evoke Entertainment Group sản xuất phim hành động Đặc vụ ngầm (The Target) có võ sĩ Mỹ gốc Việt Cung Lê đóng vai chính. Bộ phim Mỹ nhân thần sách - sản phẩm hợp tác giữa VN và Thái Lan, do đạo diễn Nguyên Phương, Minh Beta thực hiện sẽ công chiếu vào đầu tháng 11 tới...
Phải thật khác biệt mới có thể vươn xa
Không phải cứ gắn mác nước ngoài thì phim sẽ hay và vung tiền để làm phim hợp tác là sẽ ăn khách. Một nhà phê bình phim nhận định: Việc thất bại của những phim hợp tác chính ở khâu kịch bản, bởi kịch bản dở thì khó có thể làm nên một bộ phim hay. Sự non tay của đạo diễn tham gia các dự án phim hợp tác và việc ê kíp làm phim chưa kết hợp hài hòa yếu tố nội - ngoại cũng là nguyên nhân khiến các tác phẩm này thất bại, dù đạo diễn làm các phim hợp tác đều được nhà sản xuất giới thiệu là nổi tiếng hàng đầu ở nước họ!
Ông Kini Kim, đại diện đối tác Hàn Quốc thuộc Tập đoàn giải trí và truyền thông CJ E&M, thẳng thắn: “VN chủ yếu sản xuất phim thương mại - giải trí, và giờ hãy nên xác định về lâu dài liệu khán giả còn muốn xem những bộ phim hài quanh đi quẩn lại đó hay không? Trước khi muốn hợp tác với các nước thì điện ảnh Việt nên phát triển chính thị trường trong nước, đi lên từ nội lực. Cần dấn thân, tìm ra cái gì đó thật mới, thật khác biệt thì mới có thể vươn xa”.
Poster phim Yêu em từ khi nào
Phim hợp tác quốc tế luôn là cơ hội quảng bá phim Việt ra thế giới và cũng là cách để những nhà làm phim, diễn viên được học hỏi từ ê kíp nước ngoài. Tuy nhiên, dù các phim hợp tác gần đây đều có sự góp mặt của những ngôi sao đình đám cùng ê kíp chuyên nghiệp, nhưng đồng loạt thất bại thảm hại đã chứng minh những mặt trái của việc hợp tác này. Với những bộ phim hợp tác cẩu thả, chỉ mong kiếm được lợi nhuận thì việc hợp tác đó hoàn toàn không thể giúp phim Việt phát triển và vươn ra biển lớn.
Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết: “Phim hợp tác là cơ hội rất tốt để chúng ta học hỏi được nhiều điều hay từ nước bạn. Thông qua việc cùng làm, cọ xát, điện ảnh Việt tự học hỏi kinh nghiệm làm phim của nước ngoài để làm phim chuyên nghiệp hơn. Phim hợp tác còn giúp chúng ta giới thiệu những tài năng điện ảnh Việt đến với bạn bè thế giới, quảng bá hình ảnh, con người, đất nước VN. Thế nhưng, thực tế, hợp tác thế nào để làm ra một bộ phim chất lượng luôn là bài toán khó cần sự tính toán kỹ lưỡng; còn chỉ muốn thu lợi nhuận mà làm ẩu thì tiền mất, tiếng ê chề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.