"Ăn khách" nhờ cách khai thác đa dạng, có đầu tư
Theo dõi dòng chảy phim lịch sử ở Hàn Quốc, Trung Quốc, dễ thấy đây là thể loại thuộc hàng "chủ lực" trong công cuộc phát triển điện ảnh và quảng bá văn hóa của hai quốc gia này. Bên cạnh những phim bám sát lịch sử, các nhà làm phim xứ Hàn, Trung cũng không giới hạn sáng tạo khi liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm thuộc dạng huyền sử, dã sử hoặc đơn thuần là cảm tác.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong việc làm ra những bộ phim cổ trang, lịch sử có tầm vóc đồ sộ, ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả châu Á. Không chỉ khiến người xem say mê Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Võ Tắc Thiên, Hoàng đế cuối cùng..., chuyện hậu cung cũng được thiết lập thành "vũ trụ" phim cung đấu gây nghiện. Tiêu biểu có thể kể đến: Hậu cung Chân Hoàn truyện, Hậu cung Như Ý truyện, Mị nguyệt truyện, Cung tâm kế, Diên Hy công lược…
Ở nhánh điện ảnh, Trung Quốc cũng có hàng loạt tác phẩm lịch sử nổi bật với quy mô hoành tráng, thu về lợi nhuận khổng lồ như: Đại chiến Xích Bích, Đường sơn đại địa chấn, Anh hùng, Bát bách, Đại nghiệp kiến quốc hay gần đây nhất là Mãn giang hồng. Nhiều tác phẩm còn trở thành phim kinh điển, được giới hàn lâm quốc tế ca ngợi hết lời như Bá Vương Biệt Cơ, Đèn lồng đỏ treo cao, Phải sống…
Đầu những năm 2000, làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu "đổ bộ" vào Việt Nam, kéo theo hàng loạt những bộ phim cổ trang lấy cảm hứng trực tiếp từ những sự kiện, nhân vật lịch sử có thực làm nức lòng khán giả. Trong đó Nàng Dae Jang Gum có thể được xem như bộ phim kích thích sự say mê và quan tâm của khán giả Việt dành cho dòng phim cổ trang - lịch sử Hàn. Đến nay, nó vẫn là một "tượng đài" nằm sâu trong ký ức của nhiều người yêu phim.
Khán giả cũng đã từng có một thời mê mệt những phim truyền hình lịch sử Hàn như Truyền thuyết Jumong, Nữ hoàng Seon Deok, Dong Yi, Tay súng Joseon hay Hoàng hậu Ki… Đến nay, khi truyền hình có phần thoái trào và phim trực tuyến lên ngôi, phim cổ trang, lịch sử Hàn Quốc vẫn ăn khách như thường, với độ "hot" của: Người tình ánh trăng, Chàng hậu của em, Quý ngài ánh dương…
Phim điện ảnh đề tài lịch sử cũng là "mỏ vàng" của Hàn Quốc. Điển hình là thành công của tác phẩm đậm chất sử thi Roaring currents (Đại thủy chiến). Nhiều phim lịch sử khác của Hàn Quốc như Đại chiến thành Ansi, Cung thủ siêu phàm, Cờ thái cực giương cao… cũng rất thành công về mặt thương mại.
Có thể thấy, điểm chung ở nhiều phim lịch sử ăn khách, nổi tiếng của xứ Hàn, Trung nằm ở chỗ chúng là những câu chuyện dựa trên người thật, việc thật trong lịch sử nhưng được tiểu thuyết hóa, kịch tính hóa cao độ. Lịch sử là chất liệu, là xương sống để các nhà làm phim phát triển, thể hiện góc nhìn cá nhân chứ không phải là "chiếc lồng" để giới hạn sáng tạo.
Chấp nhận "chi mạnh" và đối đầu với tranh cãi
Khó để phủ nhận phim cổ trang, lịch sử là một dòng phim vô cùng tốn kém. Sẽ thật nan giải để thực hiện một phim lịch sử hay với kinh phí thấp. Bởi dòng phim này "ngốn" rất nhiều tiền trong khâu phục dựng bối cảnh, chế tác đạo cụ, phục trang. Ngoài ra, để kéo khán giả đến với những câu chuyện lịch sử có vẻ xa vời, phim cần những gương mặt ngôi sao. Đó là chưa kể đến chi phí đắt đỏ dành cho kỹ xảo nếu tái hiện những trận chiến có quy mô.
Lấy ví dụ: 150 triệu nhân dân tệ (gần 500 tỉ đồng) là tổng kinh phí của Tân Tam Quốc, trong khi Hậu cung Như Ý truyện có số vốn đầu tư lên đến 43,3 triệu USD (khoảng hơn 1 nghìn tỉ đồng). Võ Tắc Thiên truyền kỳ của Phạm Băng Băng cũng có kinh phí khoảng 1 nghìn tỉ đồng. Thời 2008, phim điện ảnh Đại chiến Xích Bích của Ngô Vũ Sâm cũng đã tốn 80 triệu USD để thực hiện. Gần đây, Mãn giang hồng của Trương Nghệ Mưu có kinh phí 72,7 triệu USD...
Một số trường hợp đến từ Hàn Quốc: Ðại thủy chiến có kinh phí 18,6 triệu USD, một con số khá lớn thời điểm 2014; Cờ thái cực giương cao kinh phí là 12,8 triệu USD. Về phía phim truyền hình, Truyền thuyết Jumong (2006) đã được đầu tư hơn 70 tỉ đồng, Quý ngài ánh dương hao tốn 642 tỉ đồng… Như vậy, một khi đã mong muốn làm phim lịch sử, các nhà làm phim cần phải huy động được nguồn vốn mạnh, làm phim với tâm thế chịu chi. Bên cạnh đó, họ cần phải tự tin và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình, đối mặt với những tranh cãi liên quan đến vấn đề "sai lệch" lịch sử.
Đơn cử như trường hợp của Hậu cung Như Ý truyện và Diên Hy công lược, cùng khai thác bối cảnh triều đại Càn Long cùng các phi, tần của ông nhưng góc nhìn về các nhân vật có sự khác biệt. Kế hậu Ô Lạp Na Lạp Thị ở Như Ý truyện thủ vai bởi Châu Tấn là nhân vật trung tâm thuộc về phe "chính diện" nhưng bà lại được khắc họa như người phụ nữ nhiều tâm cơ, có phần hiểm ác trong phiên bản của Xa Thi Mạn ở Diên Hy công lược. Trong Đại chiến Xích Bích của Ngô Vũ Sâm, nhiều khán giả cũng la ó khi vị đạo diễn cho Tiểu Kiều đích thân sang phe địch quyến rũ Tào Tháo, công chúa nhà Ðông Ngô thì trở thành chiến binh và trực tiếp tham gia vào chiến trận.
Hay như với Truyền thuyết Jumong, các yếu tố kỳ ảo bao quanh Ko Jumong hay Đông Minh Thánh vương, vị vua đầu tiên của triều đại Koguryo và là vị anh hùng khai quốc của nước Triều Tiên xưa. Chính sự sáng tạo đó đã lôi cuốn người xem theo dõi bộ phim từ đầu đến cuối, dù chúng không xác thực.
Mục đích và đường hướng thực hiện một bộ phim cổ trang, lịch sử phải được xác định ngay từ đầu. Phim sẽ được dùng để dạy học, tuyên truyền hay giải trí, bám sát lịch sử, theo hướng huyền sử hay chỉ lấy cảm hứng? Rạch ròi với khán giả, truyền thông trung thực là điều rất cần thiết. Và sáng tạo không đồng nghĩa với xuyên tạc. Ở phía ngược lại, khán giả cũng cần nhìn nhận rõ bản chất của sản phẩm nghệ thuật mà họ đang tiếp nhận. Cởi mở nhưng tôn trọng là tinh thần mà các nhà làm phim lịch sử lẫn khán giả cần có để tạo nên một "bầu không khí" tốt để các tác phẩm điện ảnh lịch sử, cổ trang có cơ hội phát triển.
"Đúng là lịch sử Việt Nam không thiếu những trang sử hào hùng, những anh hùng, hào kiệt tầm cỡ nhưng vẫn xuất hiện rất hạn chế cả phim truyền hình và điện ảnh để tôn vinh lịch sử - văn hóa. Có lẽ vẫn là những lý do mà suốt thời gian qua nhiều người nhắc tới: kinh phí hạn hẹp, phim trường không có, phục trang và đạo cụ rất hạn chế. Và đặc biệt là những phán xét "quy chụp" giữa dã sử và chính sử", đạo diễn Đinh Thái Thụy đã bày tỏ suy nghĩ khi so sánh giữa phim về lịch sử Việt Nam với các nước như Trung, Hàn…
Bình luận (0)