Phim 'Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân' giải thích về rằm tháng bảy

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/08/2023 09:09 GMT+7

Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật giúp ông cứu mẹ nên đã khuyến khích người thế gian hàng năm vào ngày này tổ chức lễ Vu Lan.


Tích xưa đạo hiếu

Giám đốc sản xuất phim Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân, nghệ sĩ Trà My, đã nhiều năm diễn vở kịch cùng tên tại các chùa nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Mỗi lần diễn, bà lại một lần thấy người lớn, trẻ em đều lau nước mắt. Điều đó đã thôi thúc nghệ sĩ chuyển thể thành kịch bản phim. Bộ phim dài 40 phút, thực hiện trong 5 tháng, được chiếu trên YouTube và một số kênh truyền hình đúng mùa Vu Lan năm nay.

Phim 'Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân' giải thích về rằm tháng bảy   - Ảnh 1.

Hình ảnh Phật Tổ ngồi dưới gốc cây và các học trò

ĐPCC

Nghệ sĩ Trà My nói: "Tôn giả Mục Kiền Liên là hiện thân cho hạnh nguyện cứu mẹ Thanh Đề thoát khỏi cảnh khổ, là hình ảnh tiêu biểu cho hiếu đạo của con người. Tôi muốn truyền đi thông điệp về đạo làm con, luật nhân quả để gửi đến toàn thể khán giả trong mùa Vu Lan, thông qua bộ phim này".

Theo đạo diễn Quản Trọng Phúc, phim là câu chuyện kể về hành trình cứu mẹ - bà Thanh Đề của Tôn giả Mục Kiền Liên - đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật. Khi còn sống, bà Thanh Đề phỉ báng Tam Bảo nên sau khi chết bị đọa xuống địa ngục. Mục Kiền Liên Bồ Tát chứng quả vị La Hán, quan sát khắp giới tìm mẹ, thấy mẹ mình đang ở nơi địa ngục thống khổ. Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ, nhưng nghiệp chướng quá dày nên cơm đưa lên miệng hóa thành than đỏ. Mục Kiền Liên xót xa, cầu cứu tới Phật Tổ. Đức Phật hướng dẫn Mục Kiền Liên muốn cứu được mẹ thì cúng ngày rằm tháng bảy

Y lời Phật dạy, thân mẫu ngài thoát nạn. Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật nên đã khuyến khích người thế gian hàng năm vào này tổ chức lễ Vu Lan, cúng dường tăng chúng mười phương, tụng kinh Vu Lan Bồn để báo hiếu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ.

Phim 'Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân' giải thích về rằm tháng bảy   - Ảnh 2.

Tạo hình Phật Tổ

ĐPCC

Nghệ sĩ Trà My cho biết, trong quá trình hoàn thiện kịch bản phim, nhóm làm phim đã thỉnh vấn các thượng tọa, đại đức để ra bản hoàn thiện nhất, đúng với giáo lý của đạo Phật. NSƯT Chí Trung cho biết, chính vì thế, các nghệ sĩ tham gia đều rất thận trọng với từng câu thoại, hoàn toàn không dám thêm thắt câu chữ.

Diễn viên bị đánh thật, không dám sai thoại một chữ

Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân được quay trong thời tiết nắng nóng nên các diễn viên rất vất vả. Tạo hình nhân vật cũng khiến họ vất vả hơn khi phải dậy từ 2 giờ sáng để hóa trang thật kỹ. Đặc biệt, vai Đức Phật (NSND Tiến Đạt), vai Mục Kiền Liên (Việt Bắc) phải mất ít nhất 3 tiếng để hóa trang. Có những cảnh quay trong hang động - là bối cảnh địa ngục nên rất phức tạp, tối, trơn trượt, các diễn viên ngã liên tục. Các cảnh bị đánh trong phim cũng là thật.

Nghệ sĩ Trà My cho biết, diễn viên Việt Bắc được chọn đóng vai Mục Kiền Liên vốn hay đóng vai hài. "Tôi nhớ lại những lần đóng chung cùng Việt Bắc - diễn viên có tính kỷ luật cao, nghiêm túc trong chuyên môn và chịu nghiên cứu tìm hiểu nhân vật. Khi tôi đặt vấn đề này, Bắc còn ngỡ ngàng chưa hiểu về tích Mục Kiền Liên, chỉ nghe qua thôi. Tôi khẳng định với Việt Bắc em đóng được. Bắc có đôi mắt rất tinh nhanh, tôi dặn Bắc khi vào vai này phải hiền lại, chậm rãi một chút", Trà My nhớ lại. 

Sau 1 tháng nghiên cứu kịch bản, gặp các thượng toạ, đại đức nói chuyện sâu hơn về nhân vật, Việt Bắc đã có một vai Mục Kiền Liên hiếu hạnh, từ bi.

Phim 'Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân' giải thích về rằm tháng bảy   - Ảnh 3.

Mục Kiền Liên mong muốn cứu mẹ khỏi địa ngục

ĐPCC

Trong Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân, trang phục của các Phật Từ là pháp phục Nam Tông. Về điều này, thượng tọa Thích Đức Nguyên, Ủy viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: "Chúng ta cũng biết Phật giáo truyền vào Việt Nam theo hai con đường. Từ Ấn Độ sang thì có một đường bộ và đường thủy. Đường thủy đi từ Ấn Độ qua Hải Phòng, truyền thẳng vào Việt Nam rồi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Con đường thứ hai đi theo đường bộ, từ Ấn Độ sang Thái Lan, Campuchia, Lào trở thành Phật giáo Nam Tông. Khi các thầy tu theo Phật giáo Nam Tông thì quấn y vàng như trong phim. Y đấy là từ thời Đức Phật. Chúng ta chiếu phim này là phim về thời đức Phật, khi đức Phật còn tại thế. Vì thế nên trang phục đó phải đúng với văn hóa Phật giáo Ấn Độ".

Công việc tạo hình của phim cũng rất kỳ công. ThS Đào Thị Thùy, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nói: "Chúng tôi theo đúng tiêu chí của phim, làm theo tích con đường nhà Phật. Khi xây dựng tạo hình Đức Phật, tôi cũng trao đổi với đạo diễn, không bê nguyên những cái người Việt Nam đã được xem trong phim Tây Du ký. Tôi muốn dựa trên nhân vật và diễn viên để tạo hình. Các nhân vật như Mục Kiền Liên và các nhân vật như đầu trâu mặt ngựa… đều được tổ tạo hình tạo hình, và xin ý kiến các thầy trong quá trình xây dựng bộ phim".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.