Bộ phim Cao hơn bầu trời được nhà nước đặt hàng với kinh phí 50 tỉ đồng từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn không thấy chiếu.
Cảnh trong phim 'Cao hơn bầu trời' - Ảnh: T.L |
Cao hơn bầu trời là bộ phim truyền hình (dài 50 tập), được nhà nước giao Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty TNHH MTV phim Giải Phóng nhân kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân.
Bộ phim được làm với kinh phí 50 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 70% và xã hội hóa là 30%.
Dự kiến ra mắt từ năm 2013
Vào tháng 12.2012, một cuộc họp báo giới thiệu đoàn làm phim và một số tập phim đầu tiên của bộ phim truyền hình Cao hơn bầu trời đã được tổ chức tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Công ty phim Giải Phóng, Cao hơn bầu trời có kịch bản do đại tá - nhà văn Nguyễn Minh Ngọc viết, đạo diễn Nguyễn Xuân Cường thực hiện, lấy bối cảnh kéo dài từ năm 1965 đến những ngày thống nhất đất nước năm 1975 với những sự kiện lịch sử có thật, đặc biệt tập trung khắc họa cuộc chiến trên không Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972.
Ông Nguyễn Thái Hòa (khi đó là Giám đốc Công ty phim Giải Phóng) cho biết bộ phim đã quay xong 10 tập, trong đó dựng hoàn chỉnh 6 tập, dự kiến bộ phim sẽ phát sóng trên truyền hình vào tháng 9.2013.
Cũng trong cuộc họp báo trên, Công ty phim Giải Phóng đã cho trình chiếu thử một tập phim, và nhận được không ít ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh, những nhân vật được lấy làm nguyên mẫu trong phim về nhiều lỗi sai như lời thoại, độ tuổi nhân vật, cho đến biển xe, khẩu khí của nhân vật. Ông Nguyễn Thái Hòa đã thể hiện quyết tâm của hãng phim sẽ làm đến nơi đến chốn, sửa triệt để, kể cả phải quay lại.
Tuy nhiên vào tháng 12.2013, khi đã quá thời gian dự kiến phát sóng, bộ phim Cao hơn bầu trời vẫn chưa thấy ra mắt, trong khi đó lại xảy ra vụ “lùm xùm” ông Phạm Thùy Nhân kiện Công ty phim Giải Phóng không trả hết tiền nhuận bút cho ông để chỉnh sửa kịch bản Cao hơn bầu trời. Từ đó đến nay, bộ phim vẫn “im thin thít và lặn mất tăm".
Vẫn chưa biết khi nào lên sóng
Thanh Niên đã liên lạc với một thành viên trong đoàn làm phim và được cho biết: “Phim làm mấy tập đầu phải ngưng ngang, một ê kíp khác (từ đạo diễn tới diễn viên - PV) đã thực hiện, quay lại từ đầu”. Đạo diễn Nguyễn Xuân Cường không tiếp tục thực hiện bộ phim, mà thay vào đó là đạo diễn Lê Ngọc Linh.
Trao đổi với Thanh Niên, đạo diễn Lê Ngọc Linh cho hay: “Bộ phim đã quay xong lâu lắm rồi, từ cách đây 2 năm. Nếu tính cả thời gian quay phim là 3 năm rồi”. Khi được hỏi vì sao phim quay xong đã lâu nhưng đến giờ chưa thấy phát sóng, đạo diễn nói ông cũng không biết vì sao. “Cái này phải hỏi Công ty phim Giải Phóng, tôi không rõ, chỉ nghe đâu hình như không đủ kinh phí để làm hậu kỳ, kỹ xảo”, đạo diễn Lê Ngọc Linh nói.
Đem thắc mắc này hỏi ông Đặng Phúc Yên, hiện là Giám đốc Công ty phim Giải Phóng, thì ông cho biết: “Phim đã quay xong, đã được lồng tiếng, hòa âm. Phim sắp xong rồi”. Khi hỏi lúc nào phim sẽ được phát sóng, ông Yên cho hay: “Lịch phát sóng thì chưa có đâu. Chúng tôi phải gửi phim cho hội đồng nghệ thuật, gửi ra Cục Điện ảnh duyệt nữa thì mới làm được. Việc này đâu đơn giản”. Về việc vì sao phim đã được làm từ cách đây 3 năm, nhưng đến giờ vẫn không thấy đâu, ông Yên cho biết: “Đừng nhắc lại việc 2 - 3 năm, vì tôi mới nhận nhiệm vụ ở đây”. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty phim Giải Phóng khẳng định: “Bộ phim sẽ hay và nhất định sẽ ra mắt”. Nhưng phim ra mắt vào thời gian nào thì vẫn còn phải... chờ.
Tiền nhà nước chứ có phải vỏ hến đâu !
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo Công ty phim Giải Phóng báo cáo về bộ phim trong tuần này. Bộ phim có trục trặc vì đổi lãnh đạo, lãnh đạo hiện nay là người mới”. Về việc cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý thế nào để không xảy ra chuyện nhà nước bỏ hàng chục tỉ đồng để phim bỏ kho, ông Biên khẳng định: “Chắc chắn là phải chấn chỉnh. Tiền nhà nước chứ có phải vỏ hến đâu! Chắc chắn bộ phim sẽ được phát”.
|
Chỉ để chiếu dịp kỷ niệm
Kinh phí sản xuất các bộ phim do nhà nước đặt hàng gần như không được đưa ra trong các bản báo cáo sơ kết và tổng kết của ngành điện ảnh. Tuy nhiên, dễ thấy số kinh phí đó lên tới hàng vài chục tỉ đồng, chỉ tính riêng trong năm 2014 - 2015.
Có thể kể đến như các bộ phim truyện nhựa: Sống cùng lịch sử (21 tỉ đồng), Nhà tiên tri (16 tỉ đồng), Mỹ nhân (16,6 tỉ đồng), Những đứa con của làng (6,2 tỉ đồng), Những người viết huyền thoại (10 tỉ đồng), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (gần 20 tỉ đồng), Đường xuyên rừng, Trên đỉnh bình yên, Cuộc đời của Yến...
Các phim truyện video như Gió rừng sương (453 triệu đồng), Tiếng khèn (435 triệu đồng), Siêu quậy lên chùa (400 triệu đồng), Trên đỉnh núi phía Tây (435 triệu đồng), Mộ gió (400 triệu đồng), Về miền thương nhớ (453 triệu đồng)... Vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt chi 28 tỉ 484 triệu đồng sản xuất phim truyền hình Ý chí độc lập (dài 19 tập) và đặt hàng 4 bộ phim truyện khác: Không ai bị lãng quên, Địa đạo, Người yêu ơi, Xã tắc.
Chỉ có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được coi là hiện tượng của điện ảnh VN khi là bộ phim do nhà nước đặt hàng được phát hành thương mại và thu lợi nhuận phòng vé.
Và mới đây, hai bộ phim truyện Mỹ nhân, Cuộc đời của Yến đã được công ty phát hành phim chuyên nghiệp đảm nhận phát hành tại các rạp chiếu. Bộ phim truyện video Siêu quậy lên chùa cũng được chiếu thương mại tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) trong 10 ngày. Còn lại, hầu hết các bộ phim do nhà nước đặt hàng tới hàng chục tỉ đồng chỉ được chiếu miễn phí trong vài ngày lễ, kỷ niệm hoặc cất kho.
|
Bình luận (0)