Hội thảo do Bộ VH-TT-DL, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM), Hội Điện ảnh TP.HCM phối hợp tổ chức.
|
PSG-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, Trưởng ban Lý luận phê bình của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, cho biết một tin vui: “Theo Viện Hàn lâm nghệ thuật Hoa Kỳ công bố, doanh thu chiếu phim tại VN tăng đều từ 17 triệu USD năm 2011, đến cuối năm 2017 đã đạt trên 147 triệu USD, điều đó khẳng định tiềm năng của khán giả và thị trường điện ảnh tại VN còn rất lớn”.
Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn khẳng định tầm quan trọng của các nhà làm phim tư nhân đối với thị trường hiện nay: “Mùa phim Việt từ tết đến nay phải nói là một hiện tượng đặc biệt của điện ảnh Việt, bởi doanh thu đột phá, cho thấy sự khởi sắc của thị trường phim ảnh nội địa. Cũng đã từ lâu khán giả không còn quan tâm đến việc đó là phim nhà nước hay phim tư nhân, mà chỉ quan trọng là phim hay hoặc dở. Sau khi nhà nước xóa bỏ bao cấp thì sự tồn tại hay không của nền điện ảnh VN là do thị trường điện ảnh quyết định, mà tư nhân hiện đang dẫn đầu. Cũng may, dòng phim thảm họa, hài nhảm rẻ tiền, đầu tư sơ sài đã không còn đất dụng võ như trước đây, và các phim ăn khách đều được làm hết sức bài bản, chất lượng với tính chuyên nghiệp cao trên mọi phương diện”.
Nỗi lo “thiếu bản sắc, thiếu tầm vóc tư tưởng”
Tuy nhiên, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng lại tỏ ra bi quan: “Phim Việt hiện đa số không còn thấy dấu ấn Việt, toàn cảnh nhà lầu, xe hơi, cách ứng xử của nhân vật... trông rất xa lạ, như nước ngoài (dù về kỹ thuật thể hiện thì còn lạc hậu rất xa so với điện ảnh hiện đại thế giới), không thấy hơi thở cuộc sống thật của đại đa số người dân VN. Và cũng chưa mảy may thấy một dấu hiệu chứng tỏ nhà nước sắp mở hầu bao đổ tiền vào việc làm phim, xây dựng nó xứng tầm một ngành công nghiệp giải trí sinh lời như ở Hàn Quốc...”.
Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất của buổi hội thảo chính là việc điện ảnh tư nhân đang phát triển rầm rộ với doanh thu kỷ lục, nhưng đa số chỉ là những bộ phim giải trí, chưa có phim mang tầm vóc nghệ thuật và tư tưởng lớn. Ông Trần Luân Kim cho rằng: “Điện ảnh tư nhân phát triển được như thế là rất tốt, nhưng nhà nước cần tài trợ kinh phí để một phần nào đó làm ra những bộ phim mang tính định hướng. Các nhà sản xuất tư nhân cũng cần quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, con người VN để có thể sáng tạo nên những bộ phim có tầm”.
Diễn viên - đạo diễn Ngọc Tưởng chia sẻ tại buổi hội thảo: “Doanh thu phim Việt ngày càng tăng, nhưng không ít người làm nghề lại trăn trở nhiều, bởi nếu một nền điện ảnh chạy theo doanh thu thì sẽ thiếu vắng những phim đơn thuần nghệ thuật”. Tuy nhiên, TS nghệ thuật học, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú thuộc Ban Chấp hành Hội Điện ảnh VN lại nhìn nhận: “Tư nhân bỏ tiền ra làm phim, “đồng tiền liền khúc ruột”, họ cần phải tính toán làm sao để phim thu hút khán giả, đủ lấy lại vốn hoặc sinh lời thì mới tái đầu tư sản xuất được, vì thế đừng bắt họ phải làm thêm nhiệm vụ quá sức. Nhiều phim tư nhân đã chú trọng làm ra một bộ phim hay, có ý nghĩa nhân văn như Hai Phượng, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang... đã là một điều đáng khích lệ”. Và ông hy vọng cơ quan quản lý điện ảnh có thái độ cởi mở hơn nữa để nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo, tạo nên những bộ phim đột phá với tính nghệ thuật cao.
Bình luận (0)