Phim Việt Nam có thể tranh giải Oscar?

23/12/2005 10:18 GMT+7

“Các đạo diễn Việt kiều luôn hướng đến việc dự giải Oscar vì biết rõ giá trị của giải đối với sự nghiệp của họ. Bộ phim Thời xa vắng của tôi đã quay xong, sẽ làm hậu kỳ ở nước ngoài và khi hội đủ điều kiện tôi sẽ đề nghị làm thủ tục đi dự Oscar” - Đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh

Trong danh sách các phim tranh tài ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của giải điện ảnh danh tiếng Oscar do Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ công bố ngày 20/10/2003 không có tên phim Vua bãi rác của Việt Nam, mặc dù trước đó giới điện ảnh đã xôn xao trước tin bộ phim này được Bộ Văn hóa – Thông tin cử đi dự Oscar.

Ngày 18/9, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ký quyết định gửi phim Vua bãi rác (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn) tham dự Oscar. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Cục phó Cục Điện ảnh tỏ ra ngạc nhiên khi được cho biết không có tên phim Việt Nam trong danh sách các nước tham dự Oscar năm nay:

“Chúng tôi nhận thấy Vua bãi rác có những thuận lợi nhất định trong việc đăng ký nên đã làm thủ tục gửi phim đi… Tuy nhiên, chúng tôi không biết vì sao lại có sự việc như vậy”.

Vua bãi rác là bộ phim “100% Việt Nam” đầu tiên được cử đi dự Oscar, và “suýt nữa” đã là quốc gia thứ 56 có mặt trong danh sách tham dự. Tuy nói là “cử”, nhưng thật ra từ trước tới nay chưa bao giờ Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa – Thông tin chuẩn bị, xét duyệt và làm thủ tục cử phim đi dự Oscar một cách chủ động. Tất cả phim Việt Nam có mặt trong danh sách dự Oscar từ trước tới nay đều bắt nguồn từ mối quan hệ riêng của đạo diễn với các đối tác nước ngoài. Thành tích cao nhất mà “điện ảnh Việt Nam” đạt được trên đấu trường Oscar là phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng năm 1993 đã lọt vào danh sách 5 phim được đề cử tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và đã đem lại danh tiếng cho Trần Anh Hùng. Bộ phim này hầu hết được quay ở nước ngoài, song vì chuyện phim xảy ra ở Việt Nam và phim nói tiếng Việt nên anh đã quyết định “lo hộ khẩu” Việt Nam cho bộ phim này để dự giải. Sau đó, các phim Ba mùa (đạo diễn Việt kiều Tony Bùi), Mùa hè chiều thẳng đứng (Trần Anh Hùng) quay ở Việt Nam bằng vốn nước ngoài tiếp tục đến với Oscar trên danh nghĩa phim Việt Nam, Bụi hồng - kinh phí của Việt Nam do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh thực hiện cũng đã từng có mặt trong danh sách dự Oscar. Hồ Quang Minh khẳng định: “Rất cần có đối tác ở nước ngoài để lo việc quảng cáo cho bộ phim ở Mỹ và tìm cách làm sao để bộ phim được các vị trong Hội đồng xét duyệt để mắt xem, vì không phải vị nào cũng xem hết các phim dự giải, bởi vậy phim được giải có khi không phải là phim hay nhất mà là phim được xem nhiều nhất”. Mà điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ vào chất lượng của bộ phim, uy tín của đạo diễn và sự năng động của những người làm công tác điện ảnh nước nhà.

Từ khi giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất được chính thức thành lập (1956) đến nay, châu Á chỉ có một phim duy nhất dành giải là Ngọa hổ tàng long của Đài Loan. Trước đó, 3 bộ phim của Nhật Bản là Rashmon, Gate of HellSamurai: The Legend of Musashi đã được trao giải Oscar đặc biệt (gần như giải cho phim nước ngoài hay nhất) của các năm 1950, 1954 và 1955.

Dự Oscar có khó không?

Câu trả lời là: không, nếu quan niệm “dự” là dịp cho các nước “những muốn kêu to một tiếng” cho thế giới biết đến tên nền điện ảnh nước mình. Tuy nhiên hiện nay khá đông đạo diễn điện ảnh, nhà sản xuất và khán giả vẫn còn “mù mờ” về thể lệ tham dự Oscar (có lẽ vì chẳng khi nào nghĩ đến chuyện sẽ tham dự) nên thường nghĩ rằng “dự Oscar” là… ghê gớm lắm.

Bản “Quy định đặc biệt đối với giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” công bố trên trang web chính thức về Oscar khá chi tiết, song tựu trung phim nước ngoài đủ tiêu chuẩn tham dự phải là những phim truyện dài được sản xuất ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và không phải là phim nói tiếng Anh. Các phim này phải được phát hành tại quốc gia đăng ký tham dự trong khoảng từ 1/11/2002 đến 30/9/2003 bằng phương tiện phim 35mm (như phim nhựa màn ảnh rộng ta vẫn thường xem ngoài rạp) hoặc 70mm và phải được công chiếu có bán vé trong ít nhất là 7 ngày liên tục (không nhất thiết phải được trình chiếu ở Mỹ trừ phi bộ phim này muốn đăng ký tham dự các giải khác như đạo diễn, quay phim…). Ngôn ngữ sử dụng phải là ngôn ngữ của quốc gia đăng ký và nhất thiết phải có phụ đề tiếng Anh chuẩn xác. Mỗi nước chỉ được cử một phim.

Năm nay, Ban tổ chức đã gửi giấy mời dự giải cho gần 90 quốc gia, hạn chót đăng ký là 1/10/2003. Trong danh sách 55 phim đạt kỷ lục về số lượng phim nước ngoài dự Oscar từ trước tới nay – có 3 “lính mới” là Palestine, Mông Cổ và Sri Lanka. Bên cạnh các nền điện ảnh mạnh của châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Iran, phim của các nước Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan, Indonesia) cũng có mặt; ngoài ra, còn có hàng loạt phim của những nền điện ảnh không mấy tiếng tăm như Nepal, Afghanistan, Cuba…

Tất nhiên, việc có nhiều nền điện ảnh ở những trình độ khác nhau tham dự không hề làm giảm giá trị Oscar, bởi đây hoàn toàn chỉ là công đoạn mang tính thủ tục. Sẽ chỉ có 5 phim được chọn đề cử tranh giải để chọn ra một phim duy nhất đoạt giải. Chỉ từ khi được đề cử trở đi thì bộ phim, đạo diễn và nền điện ảnh nước tham dự mới bắt đầu được thế giới chú ý.

(TN 30/10/2003)

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.