Phim Việt thiếu hơi thở cuộc sống đương đại

20/05/2017 05:46 GMT+7

Những bộ phim mang hơi thở đời sống đương đại, về những thân phận con người, mang giá trị nhân văn chỉ mới xuất hiện lác đác, để lại khoảng trống lớn trong thị trường điện ảnh Việt.

Những năm gần đây liên tục ghi dấu sự bùng nổ về số lượng phim Việt, chẳng hạn năm 2016 đã lên tới hơn 40 phim. Bên cạnh đó, doanh thu của nhiều phim Việt cũng đạt tới hàng triệu USD, ngang ngửa với doanh thu phim Hollywood tại thị trường nội địa. Tuy nhiên nhìn lại, hầu hết các bộ phim được sản xuất đều thuộc dòng phim giải trí, chỉ xoay quanh thể loại hành động, hài hước và kinh dị.
Những cuộc “ngược dòng” hiếm hoi
Với những câu chuyện xoay quanh một chữ “tình”: tình mẫu tử, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa - bộ phim đầu tay của đạo diễn và cũng là nhà sản xuất Mai Thế Hiệp - đang được chiếu ngoài rạp là một trong những bộ phim Việt hiếm hoi tách khỏi dòng phim giải trí thị trường. Cùng với Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, trong vài năm qua và đặc biệt là khoảng thời gian gần đây, một số bộ phim theo kiểu “ngược dòng” như vậy đã xuất hiện nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay: Trúng số, Nắng, Lô tô, Dạ cổ hoài lang, Cha cõng con... Những yếu tố như kinh phí hay phát hành khiến các nhà sản xuất, đạo diễn gặp khó với dòng phim này.
Không nhiều người biết được câu chuyện nhà sản xuất Mai Thế Hiệp bị từ chối nhiều lần khi gõ cửa nhà đầu tư. “Họ hỏi tôi phim này ai đóng vai chính. Tôi nói NSƯT Kim Xuân. Họ gạt ngay và nói sao không mời hot girl, không có hot girl thì khó thu hồi vốn. Người khác lại hỏi tôi phim anh có hài không, tôi nói không và cũng bị từ chối”. Vì muốn làm một bộ phim mà tin rằng sẽ mang đến “cái gì đó mới và lạ”, Mai Thế Hiệp quyết định bán nhà để lấy tiền làm phim.
Trong khi đó, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, dự án Cha cõng con của anh khởi động năm 2013 và mãi đến năm 2017 mới hoàn thành. Nhưng đến khi phim đã xong thì anh lại lo ngay ngáy việc đưa phim ra rạp. “Có lúc tôi nghĩ mình đã ở bước đường cùng, 70% là không có cửa ra rạp. Tôi đã nghĩ đến chuyện xin nhà đầu tư hoặc nhà tài trợ hỗ trợ đưa phim ra ngoài công viên chiếu đúng nghĩa mình làm phim xong rồi cũng cần kết thúc, hoặc tự thuê rạp chiếu để chiếu phim coi như đã làm hết lòng hết sức”. May mắn là sau đó, một nhà phát hành đã gật đầu với Cha cõng con. Bất ngờ hơn, bộ phim trụ rạp suốt gần 1 tháng. Có căn nhà nằm nghe nắng mưa khởi chiếu ngày 5.5 và cũng đang có một lượng khán giả nhất định.
Dù chưa tạo nên hiện tượng phòng vé, nhưng nhiều bộ phim “ngược dòng” đang cho thấy có khả năng đạt doanh thu tốt. Thậm chí như cách đây 2 năm, phim Trúng số của Dustin Nguyễn đã bất ngờ đạt doanh thu cao thứ hai trong mùa phim tết, phim Nắng của đạo diễn Đồng Đăng Giao đạt doanh thu khoảng 70 tỉ đồng.
Những tín hiệu mới
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vừa khởi động dự án điện ảnh Câu chuyện buồn nhất thế gian, xoay quanh những vụ án tình dục mà trong đó phụ nữ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Với bộ phim này, chị mong muốn xây dựng hình ảnh phụ nữ đa dạng và có hơi thở đương đại - điều mà chị cho rằng còn thiếu trong phim VN hay phim nước ngoài làm về VN. Đạo diễn Mai Thế Hiệp tiếp tục với vai trò điều hành sản xuất cho bộ phim Song Lang với những mảnh đời của người lao động. Còn đạo diễn Lương Đình Dũng cũng dự kiến quay bộ phim 578 chuyển thể từ chính tác phẩm của anh về hành trình người cha truy tìm kẻ đã xâm hại tình dục con gái mình.
Mặc dù đã có những tín hiệu le lói trong những mảng đề tài gần gũi với hơi thở cuộc sống đương đại, nhưng những bộ phim truyền cảm hứng yêu nước lại gần như vắng bóng. Những bộ phim về chủ đề này chủ yếu được thể hiện qua dòng phim chiến tranh mà chỉ có các hãng phim nhà nước được rót kinh phí thực hiện. Trong khi đó, hầu như chưa có nhà sản xuất, làm phim tư nhân dám mạo hiểm. Nhìn ra ngoài khu vực như điện ảnh Hàn Quốc, nhiều bộ phim mà trong đó tinh thần yêu nước, tinh thần vì cộng đồng, hay nói lên sự vô nghĩa của chiến tranh được đề cao, đã tạo nên cơn sốt. Chẳng hạn năm ngoái, bộ phim truyền hình Descendants of the Sun (tựa tiếng Việt: Hậu duệ mặt trời) đã tạo thành hiện tượng ở hầu khắp các nước châu Á, phim hấp dẫn khán giả một phần do chính câu chuyện về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của những người lính trong phim. Bộ phim chiến tranh The Hurt Locker của đạo diễn Kathryn Bigelow đoạt 6 giải Oscar 2010, được đầu tư kinh phí 15 triệu USD (kinh phí thấp với việc làm một phim chiến tranh trên thế giới) nhưng đã thu về trên 49,2 triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.