Phim Việt vừa ra rạp đã bị ‘cướp’

29/11/2015 06:07 GMT+7

Chỉ mới ra rạp được 2 ngày, Yêu đã bị quay trộm và phát tán trên mạng, khiến nhà sản xuất đứng ngồi không yên khi đã đầu tư cả chục tỉ đồng cho bộ phim này.

Chỉ mới ra rạp được 2 ngày, Yêu đã bị quay trộm và phát tán trên mạng, khiến nhà sản xuất đứng ngồi không yên khi đã đầu tư cả chục tỉ đồng cho bộ phim này.

“Cướp thành quả lao động”
Nhà sản xuất Martin Nguyễn của Yêu cho biết ngay sau khi Yêu được công chiếu, phim đã bị một tài khoản tên Văn Phước tung lên YouTube bản quay lén bằng điện thoại trong rạp từ phút đầu đến cuối phim. Anh đã tức tốc liên hệ với trụ sở YouTube Đông Nam Á đặt tại Singapore (hiện YouTube chưa có văn phòng tại VN) để yêu cầu gỡ bỏ những đoạn phim này, sau đó các đoạn phim này đã được gỡ bỏ khỏi YouTube. Trước các bản quay lén kém chất lượng cả tiếng và hình này, chị Lan Khanh - đồng sản xuất phim Yêu, bức xúc: “Việc này không chỉ gây tổn hại đến doanh thu mà còn giết chết giá trị nghệ thuật của bộ phim”.
Một số phim Việt bị sao chép trái phép rồi đưa lên mạng - Ảnh: T.L
Hiện có khoảng 30 - 40% phim Việt ra rạp bị sao chép và phát tán trái phép. Đây là “cơn ác mộng” đối với nhiều nhà sản xuất phim tại VN, khi mà doanh thu phòng vé đang đóng vai trò quyết định sự sống còn của họ. Các phim điện ảnh như Siêu nhân X, Cánh đồng bất tận, Chàng trai năm ấy, Tốc độ và đường cong, Ngày nảy ngày nay... đã có hàng trăm bản sao trên internet ngay khi đang chiếu ở rạp. Mới tháng trước, Cục Điện ảnh và các nhà sản xuất của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng điêu đứng khi bộ phim có kinh phí 20 tỉ đồng từ nguồn nhà nước và xã hội hóa bị tung một số phần trên internet. Cục đã gửi công văn đến Thanh tra Bộ VH-TT-DL, Cục An ninh văn hóa, Cục An ninh mạng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an và lãnh đạo các hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc đề nghị kiên quyết ngăn chặn và nghiêm trị mọi hành động vi phạm bản quyền với bộ phim này. Diễn viên - nhà sản xuất Trần Bảo Sơn bức xúc: “Xâm phạm bản quyền không khác gì ăn cướp trắng trợn thành quả lao động của người khác, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như uy tín cho đội ngũ sáng tạo, đồng thời xúc phạm người thụ hưởng”.
Phát tán phim “lậu” có thể bị tù
Hiện tại, đơn vị sản xuất phim Yêu đã nhờ đến cơ quan chức năng truy tìm và xử lý các đối tượng có hành vi phát tán trái phép nội dung phim. Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan thì các chủ thể có hành vi xâm phạm trái phép bản quyền bộ phim có thể chịu phạt tiền đến 250 triệu đồng (cá nhân), đến 500 triệu đồng (tổ chức), đối với các hành vi sao chép tác phẩm/bản ghi âm, ghi hình hay phân phối bằng bất cứ phương tiện nào. Như vậy, chỉ cần tổ chức, cá nhân bị phát hiện thực hiện hành vi quay lén phim trong rạp là đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính bất kể mục đích là gì, có đăng tải trên mạng xã hội hay không…
Theo luật sư Trương Hữu Huy, phụ trách pháp lý của kênh truyền hình YANTV: “Nếu chủ thể sử dụng bản quay lén nhằm vào mục đích thương mại thì có thể bị phạt tiền 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm; phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Ngồi tù vì phát tán phim trái phép
Tháng 8.2014, tòa án ở Anh đã tuyên phạt Philip Danks (người Anh) 33 tháng tù giam vì quay trộm bộ phim Fast and furious 6 trong một rạp phim, sau đó đưa lên mạng. Đã có tới 700.000 lượt người tải phim này xuống. Liên đoàn Chống ăn cắp bản quyền khẳng định nhà phát hành của bộ phim, Universal Pictures, đã thiệt hại “hàng triệu bảng” do hành vi trên của Danks, theo BBC.
Năm 2011, Gilberto Sanchez, một người sống ở New York, Mỹ đã bị phạt 1 năm tù do đưa trái phép bản phim X-Men Origins: Wolverine lên mạng. Tòa án Mỹ tuyên bố hình phạt nhằm “cảnh báo những ai có hành vi vi phạm bản quyền trên internet”, theo Hollywood Reporter.
Xuyên Vân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.