Từ xem hội, trở thành người hát hội
Buổi học hát quan họ của trường hôm nay còn có các bà, các bác trong câu lạc bộ quan họ của các thôn gần trường đến hướng dẫn. Không chỉ học sinh (HS) mà giáo viên cũng háo hức.
Huyền My, HS lớp 5A Trường tiểu học thị trấn Lim (H.Tiên Du, cái nôi của dân ca quan họ), hồ hởi khoe: “Chúng con đang tập hát để chuẩn bị cho buổi diễn vào tối mùng 1 tết tại sân Đình Lim. Đây là lần đầu tiên, sau lễ hội trăng rằm vào Tết Trung thu vừa qua chúng con được tự tổ chức một đêm hát hội của riêng chúng con nên bạn nào cũng chăm chỉ tập luyện. Rồi đến Hội Lim (13 tháng giêng), chúng con còn được chọn mấy tiết mục để biểu diễn nữa…”. Huyền My kể ra một loạt những bài dân ca quan họ đã thuộc, với giọng đầy tự hào.
Phương Thảo, HS lớp 9 Trường THCS Đại Đồng (H.Tiên Du), mắt lấp lánh kể về những buổi học hát tại chùa Phật Tích vào chủ nhật hằng tuần. Không vui sao được khi sư thầy trụ trì của chùa không những đứng ra thành lập lớp học hát quan họ cho trẻ em có năng khiếu, có đam mê mà còn mời đích thân những nghệ sĩ tên tuổi nhất về dân ca quan họ như nghệ sĩ Thúy Cải, Thúy Hường… về trực tiếp truyền dạy hoàn toàn miễn phí. “Trước đây em chỉ được nghe các nghệ sĩ hát trên ti vi, nay được chính các cô, các bác dạy hát cho mình, không vui sao được”, Thảo hào hứng nói.
Các HS vui là phải vì được chuyển từ vai trò của người đi xem hội sang chủ thể của đêm hội, được có khán giả của riêng mình. Đúng như cô giáo dạy nhạc Phạm Thị Ái của Trường THCS Đại Đồng chia sẻ: “Dù là làn điệu quê hương nhưng chúng ta không thể bắt các con yêu thích và giữ gìn nếu các con không được tự mình trải nghiệm và thực sự hòa mình vào trong những làn điệu ngọt ngào ấy. Bởi vậy, HS của Trường THCS Đại Đồng không chỉ được học mà còn được tham gia biểu diễn, được hát giao lưu với các trường bạn để yêu thêm làn điệu quê mình”.
Có cả đề án do tỉnh phê duyệt
Cô Ái vốn sinh ra tại một làng quê quan họ, học sư phạm nhạc họa rồi trở về chính quê hương mình làm giáo viên dạy nhạc. Khi quan họ chưa “danh chính ngôn thuận” được đưa vào trường học như nội dung giáo dục bắt buộc thì cô Ái vẫn bằng cách này, cách khác truyền dạy cho HS của mình những làn điệu dân ca. Mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn nhỏ của trường hay đơn giản là một buổi sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần, thế nào cũng có ít nhất một tiết mục hát quan họ. Muốn biểu diễn được thì HS phải học, phải tập và thực sự suy nghĩ về nó… Đó là cách mà cô giáo yêu quan họ muốn truyền tình yêu ấy cho học trò của mình.
Giờ thì ít nhất 2 tuần sẽ có một buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề riêng về hát quan họ ở tất cả các trường của tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 2011, sau khi có quyết định chính thức của UBND tỉnh Bắc Ninh, việc đưa dân ca quan họ đã được giới thiệu, giảng dạy tại 100% trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Với trường mầm non, tuy chỉ dừng ở mức độ khuyến khích nhưng hầu hết các trường cũng tự nguyện lồng ghép vào những giờ dạy hát, dạy múa cho các bé.
Một quyết định được các nhà trường ngay tại miền quê quan họ ví von một cách dân dã rằng “được lời như cởi tấm lòng”. Việc dạy hát quan họ trong trường học có cả một đề án do UBND tỉnh phê duyệt, có giáo trình riêng do Trường trung cấp văn hóa, nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh chủ trì biên soạn; giáo viên dạy nhạc của các trường được tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn để dạy hát quan họ; có kinh phí để tổ chức cho những buổi sinh hoạt ngoại khóa…
Nhưng chỉ nhà trường thôi chưa đủ, những nghệ nhân, liền anh, liền chị quan họ của chính làng quê HS sống phải là người góp phần quan trọng cùng với nhà trường giữ gìn và phát huy dân ca quan họ trên chính những miền quan họ.
Tháng giêng mùa hát hội, quan họ tưng bừng làng trên xóm dưới khắp vùng Kinh Bắc. Từ nay, chắc sẽ càng vui, ấn tượng hơn bởi những tiết mục tự biên, tự diễn của các liền anh, liền chị nhí.
Bình luận (0)