Phó chủ tịch Quốc hội: 'Công sử dụng không tốt thì bác sĩ chạy sang tư'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/09/2022 11:59 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm không nên bỏ khái niệm xã hội hóa y tế vì đã được ghi trong nghị quyết T.Ư, đồng thời cho rằng việc bác sĩ công sang tư không thể gọi là chảy máu chất xám.

Chưa thống nhất chính sách xã hội hóa y tế

Sáng 21.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp chuyên đề, cho ý kiến về luật Khám chữa bệnh sửa đổi.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, báo cáo tại Quốc hội

gia hân

Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho biết Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.

Dự thảo luật cũng quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức thu hút nguồn lực xã hội.

Cụ thể, dự thảo luật quy định, việc thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.

Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các hình thức xã hội hóa khác.

Về phía cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng quy định như Chính phủ đề xuất vẫn còn "chưa hợp lý".

Ủy ban này đề xuất, cần quy định theo hướng phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.


Giải 'bài toán' cho ngành y: Xã hội hóa đúng nghĩa, phát triển y tế tư nhân

Không nên nói trái nghị quyết T.Ư

Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay Nghị quyết 20 năm 2017 của T.Ư nói rõ phải đẩy mạnh xã hội hóa y tế.

Tuy nhiên, gần đây, trên diễn đàn có ý kiến đề nghị không nên dùng từ xã hội hóa y tế.

"Không nên nói trái nghị quyết T.Ư. Ta có thể suy nghĩ để thiết kế nội hàm xã hội hóa nó khác đi chứ không thể bỏ xã hội hóa. Nghị quyết T.Ư nói đi nói lại mãi bây giờ lại bảo không có xã hội hóa thì không được", ông Định nói và dẫn chứng, khối y tế tư nhân đang làm rất hiệu quả, "chứ có phải không đâu" và đội ngũ y tế cả công và tư đều đóng góp cho xã hội.

Liên quan tới vấn đề đội ngũ cán bộ y tế chạy từ công sang tư, ông Định cho rằng, nói đây là "chảy máu chất xám" thì không đúng. "Đấy là do cơ chế chính sách, công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, nhân dân vẫn được hưởng, có chạy sang tây đâu mà sợ. Vì thế mình phải sửa chính sách trong khu vực công đi để giữ các cán bộ. Ngay cả đơn vị hành chính nhà nước khác cũng thế", ông Định nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân.

Số liệu thống kê từ ngày 1.1.2021 đến 30.6.2022 của bộ này cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó, 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.

Có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, một số tỉnh, thành có số viên chức thôi việc, bỏ việc cao như TP.HCM có 2.035, Hà Nội có 1.032, Đồng Nai có 496, Bình Dương có 368...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.