Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến: Xây dựng không phép có khi là cái lều, mái tôn

05/08/2017 14:28 GMT+7

Sáng 5.8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Thực trạng xây dựng không phép, sai phép của người dân có liên quan đến bất cập trong khâu quy hoạch đô thị do cơ quan chức năng thực hiện được lãnh đạo UBND TP.HCM đề cập.

tin liên quan

'TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh'
Thông điệp trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ giới trí thức ngày 28.5.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, nhìn nhận tổng thể thì thấy bức tranh đô thị thành phố diễn ra hết sức phức tạp, từ đó nhìn ra những nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan để điều chỉnh.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng cần có định hướng để phát triển đô thị TP.HCM một cách hợp lý bởi TP.HCM là một đô thị đặc biệt, không chỉ dân số đông (13 triệu), tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao, mà đô thị hiện hữu đa phần là khu dân cư cũ, ngay cả trung tâm Q.1 cũng là đô thị cũ, nhu cầu xây mới, sửa chữa rất cao... Bên cạnh đó là những khu đô thị mới, hạ tầng chưa thật sự hoàn chỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay của TP.HCM được đánh giá là chuyển dịch chậm, thậm chí có những lúc không chuyển dịch rõ nét.
“Đề tài chúng tôi vừa làm là đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững thì thấy việc chuyển dịch so với quy hoạch đô thị có vấn đề, bởi TP.HCM phát triển theo hướng công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, thương mại phải bao trùm tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Công nghệ cũng vậy, chúng ta làm công nghệ thông tin, viễn thông thì cũng phải đi theo hướng thương mại hóa, nhưng quy hoạch đô thị chưa bắt kịp sự chuyển này”, ông Tuyến nói.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, phải xem xét lại chiến lược phát triển kinh tế của TP.HCM chuyển dịch như thế nào, từ đó mới xác định hạ tầng đô thị đi kèm ra sao. “Dân số không thể kéo dãn về H.Củ Chi, bởi sinh sống ở đây mà chuyện làm ăn, sinh sống, học hành, chữa bệnh, sinh hoạt… phải vào trung tâm, thì sự lựa chọn của người dân về ở đó không thể nhiều”, ông nêu ví dụ về một bất cập trong quy hoạch, phát triển hạ tầng với định hướng, chiến lược dãn dân ra khỏi khu vực nội đô.
“Dân số H.Cần Giờ và H.Củ Chi khoảng 1 triệu người thôi mà chiếm hơn một nửa diện tích của TP.HCM, gần một nửa diện tích còn lại có tới 12 triệu người. Nhìn vào sơ đồ chúng ta thấy ngay hình chóp nằm ở trung tâm. Nói như vậy để thấy rằng quy hoạch của mình hiện có vấn đề. Do đó bài toán đô thị phải tính toán lại”, ông Tuyến phân tích thêm.
Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, quy hoạch không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép, sai phép. Chỗ nào cũng quy hoạch cây xanh theo ý thích chủ quan của mình, chỗ nào cũng đường, trường học, bệnh viện… về mặt nhận thức, quan điểm thì hoàn toàn có ý nghĩa nhưng có khả thi hay không là chuyện khác.
Ông Tuyến nói thêm: “Hiện tốc độ đô thị hóa của TP.HCM cao, nhu cầu nhà ở rất lớn. Mình để đất nông nghiệp không xây dựng được thì người ta bức xúc, sẵn sàng lấn chiếm tìm cách xây dựng không phép. Nói không phép thì nghe có vẻ lớn nhưng có khi cũng chỉ là cái lều, mái nhà tôn thôi. Tôi nghĩ rằng cần phải tính toán lại chuyển dịch cơ cấu kinh tế để rồi xác định lại vấn đề quy hoạch. Có những cái mình phải kiến nghị để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp”.
Tại hội nghị, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn kiểm tra tại 24.449 công trình xây dựng, phát hiện gần 2.000 trường hợp xây dựng sai phép, không phép, tập trung chủ yếu ở Q.9, Q.7, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Cần Giờ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.