Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Làm thế nào để du khách tiêu nhiều tiền mới quan trọng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/03/2023 17:01 GMT+7

Tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu nhiều kiến nghị, đề xuất của thành phố để thu hút khách quốc tế đến TP.HCM.

Theo ông Dương Anh Đức, visa là một trong những khâu cần phải tháo gỡ để thu hút khách quốc tế đến VN. Vì thế, TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, mong mở rộng đối tượng được cấp visa, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên ít nhất 30 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch từ các thị trường xa. Tương tự, thay vì cấp thị thực 1 lần, nên nâng cho xuất nhập cảnh được nhiều lần vì nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mở tour liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều. Chính sách thị thực 1 lần đã mất cơ hội tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Làm thế nào để du khách tiêu nhiều tiền mới quan trọng - Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3

ĐỘC LẬP

"Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị nên kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách miễn thị thực lên 5 năm để các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và đối tác có thể xây dựng các kế hoạch khai thác thị trường ổn định và tương đối dài hạn hơn", ông Đức nhấn mạnh. 

Ứng dụng công nghệ và trang thông tin cấp cho khách là vấn đề then chốt hiện nay và trong mọi khía cạnh. "Tôi mới vào thử tên miền evisa.gov.vn, thấy tên miền này chưa được nhiều người sử dụng, theo tôi, đây là tên miền rất dễ nhớ, thuận tiện... Thế nên, có 2 việc có thể thay đổi, làm ngay trong ngày. Đó là đăng ký tên miền eVisa mới theo hướng dễ nhớ, nâng cấp trang thông tin cấp thị thực điện tử bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều này không khó đối với các chuyên gia thông tin của Bộ Công an. Vấn đề là chúng ta có quyết liệt làm không, nên tập trung việc nhỏ này trước khi có thay đổi chính sách, nhằm cải thiện liền hình ảnh của Việt Nam với khách du lịch qua khâu đầu tiên là xin phép vào Việt Nam" - ông Đức dẫn chứng.

Liên quan đến giá tour, giá dịch vụ, ông Đức nói thẳng, liên kết và chia sẻ các khâu trong chuỗi dịch vụ du lịch của Việt Nam đang thua xa Thái Lan, chưa nói thị trường cao cấp hơn. Bởi chúng ta đang hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu chia sẻ. Nếu có chính sách chia sẻ rõ ràng, các dịch vụ vận chuyển, lưu trú... được chia sẻ, giá thành của khách du lịch chi trả khi du lịch thấp xuống nhưng tổng chi phí của họ trên khắp Việt Nam tăng lên, đó mới là quan trọng.

Ông Đức kể, cách đây 20 năm, khi tìm hiểu du lịch Thái Lan, người Thái cho biết tiêu chí của đất nước trong làm du lịch là khách đến Thái tiêu bao nhiêu tiền. Chính sách của họ dành cho nhóm khách cũng dựa trên mục tiêu này. Chẳng hạn, họ ưu đãi cho người Nhật, người Nga, hay người Trung Quốc. "Đừng nghĩ người Trung Quốc tiêu tiền ít, họ sang châu Âu tiêu rất nhiều. Vì vậy, cần suy nghĩ ở nguồn khách này, xem định hướng của chúng ta thế nào phù hợp. Đặc biệt, các công ty du lịch cần xem lại mục tiêu của mình hướng đến nhóm khách nào. Có thể không đón nhiều du khách nhưng giá trị gia tăng thu về cao, làm thế nào để mỗi du khách tiêu nhiều tiền hơn tại Việt Nam" - ông Đức đặt vấn đề và nhấn mạnh: Bản thân chính sách cần có những điều chỉnh cho phù hợp nhưng ngược lại, doanh nghiệp làm dịch vụ cần có sự liên kết và chia sẻ nhiều hơn để khai thác tối đa nguồn lực trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.