Tốt nghiệp trường CĐ Kỹ thuật Nha Trang, năm 2004, Nguyễn Đình Việt (SN 1983) về công tác tại Tỉnh Đoàn Khánh Hòa.
Năm 2008, đang là Đội trưởng đội thanh niên tình nguyện tỉnh, nghe tin có đợt phát động thanh niên ra Trường Sa xây dựng và bảo vệ chủ quyền, Việt hăng hái hưởng ứng “thử lửa” nơi đầu sóng ngọn gió.
|
Ngày ấy, nhiều người thân, bạn bè can ngăn nhưng Việt quyết tâm tạm biệt gia đình, người yêu trực chỉ Trường Sa.
Vượt qua các ứng viên, Đình Việt được cử đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây khi mới 25 tuổi.
Việt bảo: “Mình từng phát động nhiều phong trào hướng về Trường Sa nhưng chưa được một lần đặt chân đến đảo. Mọi thứ ban đầu đều bỡ ngỡ, từ chuyện say sóng, đến làm quen công việc của đảo. Tuổi trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm, nhưng bù lại mình nghĩ nếu cứ cố gắng, sẽ gặt hái được những thành công. Trước mắt là góp sức trẻ xây dựng biển đảo”.
Hơn 4 năm miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu công việc chuyên môn quản lý nhà nước ở đảo, gắn bó với đời sống của người dân, Việt mạnh dạn tạo nhiều dấu ấn riêng trong khi triển khai các công trình dân sinh.
Năm 2009, hệ thống ống dẫn nước đầu tiên được triển khai đến từng gia đình. Nhiều người không còn cảnh đi xách nước ngọt về sinh hoạt, ăn uống. “Tôi thấy các hộ dân vừa khó khăn về nước ngọt lại phải đi lấy nước xa nên mạnh dạn đề xuất với cấp trên triển khai hệ thống dẫn nước này”, Việt kể.
Để cải thiện đời sống, tăng gia sản xuất Việt tìm cách đề xuất các tổ chức, cá nhân hỗ trợ ngư cụ cho dân đảo để đánh bắt, khai thác hải sản, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.
Thượng tá Vũ Văn Cường, Trưởng đảo Song Tử Tây đánh giá: “Có phó chủ tịch xã trẻ, năng động, nhiệt tình như Việt xung phong ra đảo thật quý. Nhờ sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Việt giúp đảm bảo tốt các hoạt động trong công tác chung, góp phần tạo bước phát triển, thay đổi cho đảo”.
Thầy giáo “không biên chế”
Ngoài công việc quản lý, Đình Việt còn đảm nhận nhiệm vụ thầy giáo của đảo. Lớp học của thầy Việt khá đặc biệt, đó là căn phòng ngay tại trụ sở UBND xã và duy nhất 1 học sinh.
Toàn bộ số trẻ trong độ tuổi đến trường ở đảo đếm trên đầu ngón tay. Nhiều năm nay, thầy Việt đứng lớp 4. Một thầy, một trò nên các tiết học và giáo trình của thầy giáo Việt vừa theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Khánh Hòa vừa áp dụng linh hoạt để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiết học vẽ, học sinh Hồ Xuân Huy (lớp 4, trường tiểu học Song Tử Tây) tự tin vẽ về cột mốc, biển đảo, người lính hải quân; hay trong các tiết học hát thường ưu tiên các bài về biển đảo, bộ đội… do thầy Việt hướng dẫn.
“Là giáo viên ngoài biên chế nhưng để nâng cao nghiệp vụ, tranh thủ giờ rảnh tôi tự ôn luyện, đọc tài liệu hoặc tham khảo các chương trình của Sở”, thầy Việt nói.
Học sinh Xuân Huy khoe: “Em thích học nhất các môn toán, tiếng Việt và cả hát, vẽ nữa. Những bài khó hiểu, thầy Việt đều dành thời gian dạy thêm. Kết thúc năm học 2011 - 2012, Huy đạt học sinh tiên tiến.
“Thầy Việt dặn bọn em phải tự hào vì được sống, học ở Trường Sa và phải cố gắng học giỏi để không thua kém các bạn trong đất liền”, em Huy nói thêm.
Năm 2010, Việt xin nghỉ phép về lập gia đình cùng cô giáo Lê Thị Nga (trường Mầm non Ninh Lộc, Ninh Hòa, Khánh Hòa).
Một thời gian ngắn Việt lại tạm biệt vợ ra đảo. Từ đó, những cuộc điện thoại, liên lạc qua mail, hai vợ chồng trẻ dành phần lớn thời gian để trao đổi về phương pháp nghiệp vụ sư phạm, soạn giáo trình...
Theo Sở GD&ĐT Khánh Hòa, phần lớn giáo viên ở đảo đều kiêm nhiệm từ các cán bộ UBND xã, đảm bảo các yêu cầu cơ bản chuyên môn, số tiết.
Qua đánh giá, học sinh qua tiểu học ở Trường Sa, chuyển vào đất liền học từ lớp 6 đều sớm hòa nhập, nắm chắc kiến thức và đạt kết quả học tập tốt.
Theo Nguyễn Huy / Tiền Phong
>> Phát động cuộc thi viết về Trường Sa
>> Nguyễn Phi Hùng với Trường Sa
>> Chư tăng lên đường ra Trường Sa
>> Sinh viên VN tại Pháp phát động quyên góp vì Trường Sa
>> Trường Sa trong trái tim sinh viên
Bình luận (0)