Phố đồ cổ ở TP.HCM: Giai thoại 'nàng Kiều' xưa cũ nơi bà Hillary Clinton ghé đến

09/11/2023 14:08 GMT+7

Phố đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) nổi tiếng mấy chục năm qua vì chuyên bán đồ cổ. Nó cũng được người dân quen gọi với cái tên thân thương là 'Nàng Kiều'.

Mấy chục năm qua, dù thời thế nhiều thay đổi, nhưng có những con người vẫn chọn gắn bó với "Kiều ta"....

Nằm nép mình sau lưng đường Hàm Nghi, "phố đồ cổ" Lê Công Kiều ồn tại giữa lòng Sài Gòn - TP.HCM được hơn một phần tư thế kỷ. Con phố chỉ dài khoảng 300 - 400 mét nhưng có hơn 40 cửa hàng, sạp vỉa hè kinh doanh đồ cổ. 

Trái ngược với cảnh làn xe chen chúc, đô thị xô bồ, nơi đây giống như một thế giới hoàn toàn khác, yên ắng hẳn và đầy hoài niệm.

Phố bán "thời gian và kí ức"

Nhâm nhi ly cà phê ở một quán cóc đầu đường Lê Công Kiều, chợt nghe tiếng của mấy người đàn ông đang tranh nhau một bức chiếu vua ban thời xưa. Anh Võ Hoàng Vinh (30 tuổi, H.Bình Chánh) đã dậy từ 5 giờ sáng để kịp đến "đấu giá" món hàng hiếm này.

Anh Vinh là khách quen của nhiều cửa hàng ở phố cổ, mọi người hay gọi đùa là "dân chơi đồ cổ thứ thiệt". Dù trẻ tuổi nhưng số lượng đồ cổ anh sở hữu lên đến cả nghìn món.

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 1.

Phố đồ cổ Lê Công Kiều vào một sớm cuối tuần

THÁI THANH

"Với tôi, mấy món đồ cổ có giá trị cao lắm. Có những món đồ khi nhìn vào đó, chúng ta có thể thấy được dòng chảy của lịch sử. Nói văn nói hoa hơn thì đó là một cuốn phim tua ngược, cho những người có lòng hoài cổ như tôi được thỏa sự hiếu kỳ", anh Vinh nói.

Ông Lê Hải (49 tuổi, Q.1) là người bán hàng ở phố đồ cổ Lê Công Kiều cho hay tấm chiếu sắc phong đang được rao bán là của vua Khải Định, giá khởi điểm là 1.000 USD. "Đồ càng lâu càng có giá trị. Nơi đây, người ta không chỉ bán đồ cổ mà còn bán "thời gian và kí ức" mà", ông Hải tấm tắc.

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 2.

Nhiều người đến phố đồ cổ Lê Công Kiều để chiêm ngưỡng tấm chiếu sắc phong của vua Khải Định

THÁI THANH

Chị Lê Vân Anh (26 tuổi, Q.Bình Thạnh) cũng đến phố đồ cổ để tìm mua cho ba mình một chiếc hộp quẹt Tây Dương. Chị kể rằng ba chị xưa rất mê những chiếc hộp quẹt bật lửa, nhất là những chiếc có hình thù độc lạ. Rồi biết ở đường Lê Công Kiều chuyên bán đồ cổ, chị liền tìm đến đây mua, hy vọng kiếm được một chiếc ưng ý, giá cả hợp lý để tặng ba nhân dịp sinh nhật.

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 3.

Những cửa hàng đồ cổ đầu tiên tại phố Lê Công Kiều

THÁI THANH

"Thấy vậy chứ giá đồ cổ ở đây không rẻ đâu. Nhưng ai cũng biết đồ cổ, giá trị thật sự nằm ở chỗ chúng đã tồn tại rất lâu đời, có khả năng đó còn là những chứng nhân của lịch sự, gắn liền với cuộc đời của những thế hệ đi trước, chưa kể cũng có giá trị thẩm mỹ nữa", chị Vân Anh chia sẻ.

Bà Sáu Hét đợi… cố nhân

"Sáu Hét ơi, có hai cái chậu sành mới đào, lấy không tôi để?", một người đàn ông chạy chiếc xe dream cũ, sốt sắng dừng xe ngay chỗ bán của bà Sáu Hét (80 tuổi). Bà Sáu Hét đang lim dim giấc trưa, choàng tỉnh: "Ai đó, à, lấy lấy, nhưng cho ghi nợ không chú, chục ngày rồi có bán được cái gì đâu."

Người ta đặt luôn cho bà Sáu là "Sáu hét", "Sáu lùn". Người phụ nữ này đã dành cả đời để gắn bó những món đồ xưa và con đường Lê Công Kiều.

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 4.

Ông Hải đang giới thiệu cho khách món đồ cổ mới thu được sáng nay

THÁI THANH

Hỏi thì bà tự nhận mình là một trong những người đầu tiên bán đồ cổ tại đây. Khi đồ cổ đang thời hoàng kim, bà giàu có bậc nhất ở khu này. Nhưng từ năm 2000 trở đi, số lượng đồ cổ ngày càng ít đi, người mua cũng vơi dần, dường như ít ai đoái hoài tới chuyện chơi cổ vật, đời sống bà qua thăng trầm cũng ngày một khó khăn...

Ngó những món đồ bà Sáu hét bày ra trên vỉa hè, thấy bà bán nhiều chậu bông, ví da, băng cassette cũ… - những món hàng tương đối bình dân. Hỏi lý do bà vẫn đi bán đồ cổ đồ cũ, bà Sáu Hét liền đáp là vì muốn… gặp lại "cố nhân". Nói vậy chứ thật ra bà đang chờ mối quen, người bán như bà lâu năm có mối riêng cho mình, cộng thêm người ngày xưa mua đồ cổ của bà hứa là sau này quay lại gặp bà, mua đồ của bà tiếp. 

Trong trí nhớ của bà Sáu Hét, mấy chục năm qua, diện mạo của "chợ Kiều" hầu như không thay đổi. Trên phố này, mỗi cửa hàng sẽ chuyên bán một vài món cố định. Nếu muốn mua cổ vật gốm sứ, Sáu Hét chỉ ngay đến hàng 19, 21, 23. Còn ai thích các loại chiêng trống, khèn, tượng người Khmer thì tìm đến số 34, 36, 38, 40. Còn bà bán lề đường, bán tất cả các món lặt vặt thu mua được.

Nỗi lo không có người kế nghiệp

Những người sống ở phố đồ cổ Lê Công Kiều hầu hết đều có tóc bạc pha sương, gương mặt tĩnh lặng, trải đời. Không biết có phải vì gắn bó với đồ cổ đồ cũ nhiều hay không mà họ đều chung thủy, mà trước hết là chung thủy với nghề nghiệp mình. 

Ở cửa hàng số 16, 38 năm qua, ông Hà Văn Đính (74 tuổi) là chủ tiệm, tính nhẩm đã bán hàng nghìn món đồ cổ. Cửa hàng ông Đính mở từ năm 1985, bán đủ các mặt hàng như gốm sứ, tượng, trang sức, đồ mỹ nghệ… Hiện nay, ông Đính đang sở hữu hơn 10.000 món đồ cổ, có món lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Ông có 3 người con trai, hiện tại đều đã đi du học và định cư ở nước ngoài. Ông bảo, điều ông sợ nhất chính là sau này không có ai kế nghiệp mình.

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 5.

Những món đồ cổ giá bình dân được bày bán trên vỉa hè

THÁI THANH

"Con cái tôi thì chắc chắn không chịu buôn bán đồ này, lương tụi nó bây giờ gấp mấy lần lợi nhuận ở đây. Với lại thời đại này, người mê đồ cổ chắc chỉ còn số ít, khách du lịch cũng thưa thớt kể từ sau dịch Covid-19. Tôi và bà xã mà không còn, đống đồ này chắc cũng đem bán phế liệu chứ biết gửi gắm cho ai", ông Đính lắc đầu.

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 6.

Bà Sáu Hét ngồi trầm tư bên gian hàng đồ cổ

THÁI THANH

Những món đồ cổ và cửa hàng Bình Minh, như "kho báu" của ông Đính. Ông đã dành cả đời để chăm chút, gầy dựng. Ông nói ở con phố này có nhiều giai thoại khó lý giải. Như giai thoại về bức tranh cổ đời Minh trị giá đến cả ngàn USD nhưng lại bị lầm tưởng là "đồ bỏ đi". Hay chuyện về số tiền lớn của một thương gia người Pháp bỏ quên trong chiếc chậu pha lê thần kỳ. Cái chậu đó có thể làm thay đổi màu nước từ trong vắt sang sóng sánh cầu vồng… 

Sống trong các giai thoại đó, mỗi ngày, ông đều bắc chiếc ghế xếp, ngồi trầm tư trước cửa tiệm, ngắm nhìn mấy món cổ vật không biết bao nhiêu lần. Hàng xóm xung quanh lâu lâu lại ghé ngang chỗ ông, họ bàn với nhau chuyện cũ, khách khứa, người cũ…

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 7.

Ông Đính đang giới thiệu một cái trống cổ làm từ da trâu có giá 50 USD

THÁI THANH

Họ cũng kể luôn chuyện phu nhân cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton - bà Hillary Clinton đã từng dạo phố và mua sắm tại Lê Công kiều năm 2000, chuyện về một vài người bạn làm ăn đã chuyển đi vì không trụ nổi ở phố, chuyện về mấy cửa hàng đồ cổ nay chuyển sang bán hủ tiếu, bánh canh vì hết thời...

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 8.

Những món đồ cổ được bán trong cửa hàng giá ông Đính đa số đều có giá trị cao

THÁI THANH

Dù đã qua thời vàng son nhưng có những người vẫn quyết tâm ở lại với phố đồ cổ Lê Công Kiều, gìn giữ một nét văn hóa rất riêng, rất độc đáo nơi TP.HCM hiện đại, năng động...

Phố đồ cổ ở Sài Gòn: Những trái tim thủy chung với "nàng Kiều" - Ảnh 9.

Ông Đính đã dành hơn nửa đời để xây dựng cửa hàng đồ cổ Bình Minh

THÁI THANH


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.