Phó giám đốc Công an TP.HCM: 'Kiểm tra nồng độ cồn không dùng chung đầu thổi'

07/12/2023 10:15 GMT+7

Phó giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh, việc kiểm tra nồng độ cồn không dùng chung đầu thổi, không gây xáo trộn trật tự giao thông.

Sáng 7.12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM bước vào ngày làm việc thứ hai, các đại biểu nghe tình hình thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường.

Phát biểu tại kỳ họp này, Phó giám đốc Công an TP.HCM Trần Đức Tài cho biết, thời gian qua, Công an TP.HCM đã tập trung quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, điều tiết, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra do nguyên nhân chủ quan.

Ghi nhận năm qua xảy ra 1.538 vụ tai nạn giao thông làm 600 người tử vong, 922 người bị thương. Trong đó, giảm 412 vụ, giảm 99 người tử vong và 258 người bị thương. Thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ chủ trì và phối hợp các đơn vị sẽ nâng cao hiệu quả trật tự an toàn giao thông.

Phó giám đốc Công an TP.HCM: 'Kiểm tra nồng độ cồn không dùng chung đầu thổi' - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM

THÀNH NHÂN

Lãnh đạo Công an TP.HCM cũng thông tin thêm, thời gian qua, Công an TP.HCM đã mở cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, ma túy và thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện.

"Gần đây, có một số ý kiến quan tâm việc về việc kiểm tra nồng độ cồn. Tôi khẳng định tất cả vụ kiểm tra nồng độ cồn không có sử dụng chung đầu thổi và chúng tôi kiểm tra có quy trình, không gây xáo trộn trật tự giao thông. Năm qua, chúng ta giảm được 99 người chết. Đây là năm thứ 11, tai nạn giao thông được kiềm chế", ông Trần Đức Tài nhấn mạnh.

Phó giám đốc Công an TP.HCM cũng nói thêm: "Nhưng vẫn chưa thể hài lòng kết quả. Năm qua, có 600 người chết vì tai nạn giao thông nên mong cử tri và người tham gia giao thông hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông để cùng lập lại trật tự an toàn, qua đó bảo vệ tài sản, sức khỏe của chính mình và an toàn xã hội".

Phó giám đốc Công an TP.HCM: 'Kiểm tra nồng độ cồn không dùng chung đầu thổi' - Ảnh 2.

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn

VŨ PHƯỢNG

Trước đó, tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri lo thổi nồng độ cồn mất vệ sinh, dễ lây bệnh truyền nhiễm. Cạnh đó, nhiều cử tri cũng cho rằng người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông là rất nguy hiểm, tuy nhiên không phải vụ tai nạn giao thông nào cũng do nồng độ cồn gây ra.

Do đó, cử tri kiến nghị cần phân tích kỹ những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, và có giải pháp phòng ngừa chứ không phải chỉ tập trung vào nồng độ cồn. Đồng thời, phải xác định được khung giờ và cung đường "nóng" để kiểm tra nồng độ cồn, thay cho cách làm hiện nay khi kiểm tra cả vào giờ cao điểm người dân đi làm, đi học.

CSGT TP.HCM đổi phương án đo nồng độ cồn ban ngày thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.