Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM: Sinh viên cần dùng tiền vay tín chấp đúng mục đích

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM: Sinh viên cần dùng tiền vay tín chấp đúng mục đích

08/08/2023 14:00 GMT+7

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM lưu ý rằng, sinh viên khi được vay tín chấp cần sử dụng vốn đúng vào mục đích học tập và phải có trách nhiệm trả nợ sau khi ra trường.

UBND TP.HCM đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng đề án cho sinh viên trên địa bàn TP.HCM vay vốn đảm bảo học tập.

Trong đó, các ngân hàng thương mại cho vay, nhưng yêu cầu như chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để đảm bảo về lãi suất, về thời hạn vay và đặc biệt là cho vay hình thức tín chấp.

Đây là đề án nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên không thuộc đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội được vay vốn học tập.

Mục tiêu của đề án là tất cả sinh viên, học viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM nếu gặp khó khăn về tài chính và có nhu cầu vay vốn để học tập sẽ được nhà trường và Thành đoàn TP.HCM hỗ trợ.

Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nói gì về sinh viên vay tín chấp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM trả lời Báo Thanh Niên.

VŨ ĐOAN

Các cơ quan này sẽ xác minh nhu cầu thực, lập danh sách gửi các ngân hàng thương mại để xét duyệt cho vay.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM chia sẻ:"Ý nghĩa lớn nhất ở đây, cho sinh viên vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho việc học tập của sinh viên như chi trả học phí và sinh hoạt phí. Vì vậy nó phải đảm bảo hai mục tiêu. Thứ nhất, lãi suất cho vay phải thấp, phù hợp với khả năng của sinh viên. Thứ hai, cho vay phải thuận lợi hơn, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho sinh viên, với các điều kiện vay theo hướng cho vay của chương trình Ngân hàng Chính sách xã hội."

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng lưu ý rằng, sinh viên khi được vay tín chấp cần sử dụng vốn đúng vào mục đích học tập và phải có trách nhiệm trả nợ sau khi ra trường.

Dự kiến, đề án sẽ được thí điểm từ năm học 2023-2024, để lấy kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm, hoàn thiện đề án, sau đó mới triển khai chính thức.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.