Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng: “Vẫn tiếp tục xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh”

12/01/2006 23:05 GMT+7

Chiều 12/1, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đã có buổi trao đổi với các nhà báo xung quanh vấn đề 8 văn bản của UBND TP.HCM bị Bộ Tư pháp cho rằng ban hành trái luật.

Bà Hồng cho biết: Hiện UBND TP.HCM đang chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong đó có Sở Tư pháp, Công an TP và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội giải trình. Nhận xét về bản thông báo của Bộ Tư pháp, bà Hồng thừa nhận ý kiến của Bộ Tư pháp đa phần là xác đáng và sắp tới UBND TP sẽ bãi bỏ Quyết định 106/2003/QĐ-UB và Công văn 7696/UB-ĐT (quy định về các biện pháp xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông trên địa bàn TP) vì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152 để điều chỉnh vấn đề tương tự. Về Quyết định 113 và 114, bà Hồng cho rằng các quy định trên không tự đặt ra một hành vi gì mới mà thực ra chỉ mang tính răn đe như thói quen làm luật chung là "nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành". Nếu có xử phạt thì cũng phải căn cứ vào các văn bản pháp luật khác và trên thực tế thì TP cũng chưa xử lý trường hợp vi phạm nào mà quyết định đã nêu ra. Còn đối với Quyết định 104/2003/QĐ-UB (về quản lý người lang thang ăn xin) bà Hồng thừa nhận: "Trước đây, UBND TP có xin ý kiến của Chính phủ nhưng chờ hoài mà không thấy Chính phủ trả lời nên... làm luôn".

Đáng chú ý là trong 8 văn bản trên, bà Hồng quả quyết rằng, 2 Quyết định 210/2004/QĐ-UB và 240/2004/QĐ-UB (quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh những hành vi VPHC) là không trái luật. "Bởi lẽ trong 2 quyết định trên, UBND TP không "phịa" ra các hành vi hành chính. Thực ra đó chỉ là một cách thu thập chứng cứ bằng hình ảnh để xử phạt trong an toàn giao thông đường bộ" - bà Hồng lý giải và nói thêm: "Trước đây, việc xử phạt này được thực hiện bằng mắt thường của những người điều khiển giao thông nhưng cách làm cũ này không có chứng cứ, thường bị người vi phạm cãi lại. Còn hiện nay, vì sao có phương tiện hiện đại mà chúng ta lại không áp dụng?". Trả lời câu hỏi: Trong khi Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp chưa thống nhất quan điểm về việc xử phạt qua hình ảnh thì việc này có được tiếp tục áp dụng không, hậu quả của nó sẽ được giải quyết như thế nào nếu kết luận cuối cùng là trái luật, bà Hồng nói: "Tôi cho là việc xử phạt vẫn sẽ được tiếp tục. Nếu cho rằng bị thiệt hại, người dân có quyền kiện các quyết định xử phạt trên ra tòa. Không ai hạn chế quyền khiếu kiện của họ cả". Trả lời câu hỏi: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong việc ban hành các văn bản bị coi là trái luật trên và trách nhiệm của Sở Tư pháp tới đâu, bà Hồng nói: "UBND TP phải chịu trách nhiệm chính. Khi ban hành một văn bản, các cơ quan ban ngành sẽ lấy ý kiến những đơn vị liên quan. Sở Tư pháp là người thẩm định và có ý kiến đối với UBND TP.HCM. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định vẫn thuộc UBND TP; ý kiến của Sở Tư pháp có thể không được chấp nhận".

M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.