Phố không còn vắng - Truyện ngắn của Trần Thanh Bình

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
02/01/2022 09:00 GMT+7

.

Phòng có mấy người, chưa kể tôi và một nhạc công. Hai người ở cao nguyên, hai miền trung và hai miền tây. Ngồi gọn trong căn phòng nhỏ, có rèm kéo nhìn ra cây bồ đề phía chùa Xá Lợi. Khu này đường nào cũng nhỏ, mỗi khoảnh là một biệt thự, râm mát. Lối quy hoạch kiến trúc cũ xưa, nhiều cây xanh nên không gây cảm giác ngột ngạt.

Tôi ngồi, nhìn qua Di. Cô cầm trên tay chiếc lá rụng tôi đưa ban nãy. Thỉnh thoảng lại đưa lên môi hôn. Nhưng tôi tảng lờ, vờ như không thấy. Lỡ cô ngại.

Đó là một ngày đặc biệt.

Người nhạc sĩ viết về mùa thu rất hay, mới ra đi chiều qua. Nên ai cũng nâng ly hớp một ngụm, nghe nhắc đến lại ngậm ngùi đặt xuống. Di xoay xoay chiếc lá trong tay, nửa khô nửa vàng. Bỗng cô với tay cầm chiếc ly uống cạn một hơi, rồi nói vọng lại đầu bàn: “Đâu phải bởi mùa thu, đi anh”. Người nhạc công chơi guitar gật gật đầu, rung rung bím tóc cột sau gáy. Và anh dạo đàn.

Họ gặp nhau sau sáu tháng để tri ân sự diệu kỳ, ai cũng thoát qua được cuộc khủng hoảng thể xác và tâm hồn có một không hai trong lịch sử. Có lẽ cả ngàn năm.

Thành phố tan tác những ngày qua. Để đi đến đây, tôi vẫn còn chứng kiến vài ba chuyến xe cấp cứu hụ còi len lách giữa phố không còn vắng. Là đuôi của đợt dịch với biến chủng Delta khốc liệt? Hay là bắt đầu cuộc hoành hành của Omicron?

Minh họa: Tuấn Anh

Tôi không biết.

Chiếc lá ấy, tự dưng chiều hôm qua tôi ngồi ở một quán nước, rụng xuống trước mặt. Lá dày, hình như lộc vừng. Gân lá li ti tẽ ra theo chiều cuống lá đến ngọn lá, phía khô thì đen, phía vàng thì xám. Thuận tay, tôi nhét vào túi xách để làm kỷ niệm một chiều đông. Hóa ra bây giờ nó lại thành tâm điểm gợi nhớ biết bao kỷ niệm của mỗi người. Cũng không hẳn chỉ thế. Câu chuyện kể về chiếc lá khi tôi đưa cho Di, có lẽ gợi nhiều điều hơn. Về kiếp lá khi liên tưởng kiếp người.

Những người ngồi đây, ngoài tôi ra, họ là bộ não về công nghệ hoặc kinh doanh của các công ty lớn trong thành phố. Không biết sáu tháng qua, với sự ngơi nghỉ của các bộ óc kia do dịch Covid-19, các công ty giảm đi bao nhiêu doanh thu, thành phố này đã thất thu bao nhiêu tiền thuế? Và cuối năm nay, nhóm của họ làm hao khuyết đi bao nhiêu GDP trong cái bảng thống kê thường được trưng ra ngày cuối cùng của tháng mười hai?

Tự dưng, tôi lẩn thẩn nghĩ.

Bên phải tôi là Ly, vợ của người tôi rất mến phục, là Duy. Duy hôm nay không đến. Mấy cái status năm qua Duy viết về tình hình quốc tế với đôi mắt dự báo rất nhạy. Tôi thích thỉnh thoảng đọc Duy, mỗi khi muốn nặng đầu. Nhưng kỳ lạ, đọc không dứt ra được. Tàu lạ ở biển Đông đang lởn vởn phía nào rồi sẽ vận hành về một điểm đến nào ở kinh tuyến, vĩ độ nào, Duy nắm rõ như trong lòng bàn tay. Bàn tay gõ phím của anh có lẽ đuổi theo mấy động cơ của hàng trăm con tàu ngoài biển xa đã chục năm rồi. Các câu kết của những status ấy, lạ thay và cũng buồn cười thay, khiến tôi lại liên tưởng đến lời bàn của Kim Thánh Thán sau mỗi chương của bộ tiểu thuyết bên Tàu. Có điều, ông Kim Thánh Thán bàn về phân ly đại cuộc của mấy quốc gia một thời rất xa, xa lắm. Còn Duy bàn về tương lai của một vùng biển ngày nay, đôi khi chua cay theo cách riêng, sắc sảo với những lời chất ngất âu lo.

Ly đẹp. Ánh mắt nhìn thường xa xăm. Đôi mi cong vút. Có lẽ đôi trai tài gái sắc ấy vận vào nhau một đời sống cảm thông theo cách giao ước, đầu anh là của em, sắc em thuộc về anh. Nhưng không chỉ vậy, Duy cũng khá lãng tử, còn Ly thì duyên dáng. Nên khi tôi nói đôi câu chuyện vài cái status đọc từ trang Duy, mắt Ly sáng lên rất vui.

Phía bên này bàn, sau khi kết bài bằng câu “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”, Di đã chuyển sang một bản khác, có câu:“Cuộc sống mới rồi người có thấy vui, xin hãy giữ lại một chiếc lá rơi. Thời gian rồi đây sẽ như con thuyền lướt trôi”. Hình như bản này nhạc ngoại do Khúc Lan chuyển ngữ, tôi băn khoăn nhớ.

Di lại xoay cổ tay, và lá xoay theo từng cử động. Cầm lá và hát mãi về chủ đề lá. Hoàng ngồi đối diện cười cười, uống tỉnh như sáo. Thỉnh thoảng lại chêm vào đôi câu dí dỏm, giọng miền Tây trầm ấm. Có pha vị mặn ngọt của sông Hàm Luông, đôi lần tôi nghĩ về giọng Hoàng vậy.

*****

“Em bị dính Covid cách đây hơn một tháng. Hai vợ chồng bỗng dưng bị sốt, ho và nghe trong người là lạ dù đều đã tiêm 2 mũi”. Ly kể. Vậy rồi, cả hai người nhào qua nói chuyện với nhau. Bên này,vợ chồng Di cũng hai mũi, cùng ho cùng sốt.

- Vậy rồi chị làm sao? - Ly hỏi.

- Nằm sấp, bác sĩ của chị bảo vậy - Di nói.

- Rồi đỡ không chị? - Ly lại hỏi.

- Có, nhưng buổi sáng hai mắt chị đỏ rực, rất khó chịu - Di kể thêm.

- Chắc do mặt trời chói vào nhiều chứ gì - Hoàng pha trò.

Ly kể, em thì đỡ, còn Duy khó thở nhiều lần. Di: chỉ số ô xy nhiêu?, Ly: 92, 93. Di: Giống y chang vợ chồng chị. Về khuya mới mệt…

- Rồi sao nữa? - Bên kia Quân ngưng tay đánh trống cajon, hỏi với sang.

- Cứ vậy, đo chỉ số ô xy, nằm sấp khi khó thở, uống thuốc. Nhưng tội hai đứa nhỏ, nó phải ở riêng. Không có mẹ, cứ gõ cửa hoài - Xoay mãi chiếc lá, Di kể.

Nhưng cả bàn ai cũng bị cuốn hút bởi câu chuyện của Di và Ly. Có là người trong cuộc mới hiểu hết những ngày ấy, những vật lộn sinh tử và biết bao nhiêu thứ của phận người khi chứng kiến những ca F0 kể lại mình đã trải qua như thế nào. Một người một vẻ, cách của mỗi người trong gia đình không giống nhau. Có khó thở, có sốt có ho và có viêm họng nhưng đôi khi chênh nhau về thời gian biểu. Dường như không có mẫu số chung cho các ca bệnh, dù rằng đều bị xâm nhập và hành hạ bởi một thứ vi rút.

Bỗng Ly phá toang sự yên lặng bằng một kiểu nói đậm chất miền cao: “Thôi, chết thì đã chết rồi. Sống mới quý. Hát đi”. Rồi cô cất tiếng, những bản nhạc một thời thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Nghe như muốn giật níu một điều gì, nếu ai không biết cô từng trải qua những lo lắng, bộn bề bao thứ thì chẳng hiểu ra sao lại vậy. Nhưng cô thèm hát. Vậy thôi!

Nghe Di và Ly cùng nhau hát, tôi chợt nghĩ đến điều mà người ta thường nói, rằng hội chứng sau Covid muôn hình vạn trạng. Có người sưng đầu gối, có người lòa mắt, có người ù tai, có người lại uống nước suốt ngày… nhưng hội chứng thèm hát và nâng ly bia uống liên tù tì thì tự tôi mạn phép khẳng định một điều, ấy là hội chứng thèm sống!

“Có những đêm em trở dậy, ngồi đếm tích tắc đồng hồ khuya. Phòng bên con em hai thằng đã ngủ. Cứ nghĩ khôn nghĩ dại nếu mình có chuyện gì thì không biết mai này ra sao” - Di kể, dường như cô hụt hơi.

Cái cách mà Di và Ly nói về cuộc sống và cái chết không phải tôi nghe lần đầu, nhưng nó lặn sâu trong tiềm thức rồi bật ra đột ngột, khác với những gì tôi chứng kiến. Một cái chết, hẳn nhiên là buồn. Nhưng sống vượt qua cái chết lại khiến người ta thường hay suy nghĩ về cách sống, ngày ngày.

Tôi, và cả bàn có lẽ đang nghĩ như tôi vậy.

***

Thành phố chiều ấy Di về, lá bay. Tạm biệt nhau từ bậc cầu thang cuối. Hoàng nói, thôi Di để xe lại đi, về taxi cho chắc. Vì lá thì đã giữ rồi, có gì đâu mà bận lòng. Mai mốt lá xanh lại. Quân đế vô một câu vậy. Nhưng tôi biết chắc một điều là Di muốn ngồi lại nữa, chẳng phải vì ai. Mà vì Di nghĩ, mới đây và ngày sau ít ỏi cũng như chiếc lá ấy thôi.

Ly thì đã về từ trước đó một tiếng. Cô bận việc. Chẳng ai lăn tăn hỏi cô bận việc gì. Nhưng đều biết ông bà nội của hai đứa nhỏ con Ly cần chăm sóc. Ông bà cũng vừa vượt thoát qua đận Covid, với vài vết thương chẳng nhẹ chút nào, vì có bệnh nền.

***

Tôi trở vô, nghe Hoàng kể vài kỷ niệm buổi có người thương đầu. Không biết cô ấy có yêu mình không, nhưng đi xa khi về cứ ngóng qua nhà, nhìn giàn hoa bên ấy nở chưa. Mỗi khi vậy, lại thấp thoáng một người con trai, nên thất vọng.

Nhiều ngày nhiều tháng, mỗi lúc về muốn chạy qua nhà nói một lời yêu. Cầm tay thôi cũng được, nhưng cứ thấy bóng dáng chiếc áo đàn ông là thôi. “Cho đến một ngày…” - Hoàng nói trong cơn say.

Đận ấy trở về, Hoàng ấp ủ sẽ nói. Nhưng không ngờ vừa về đầu xóm, đã nghe chộn rộn đám cưới. Hỏi mấy đứa nhỏ, tụi nó nói chị Ánh Hoa đi lấy chồng. Hoàng buồn chất ngất. “Anh biết không, em ra bến sông ngồi một mình. Đến chiều tối mới trở vô nhà. Chị Hai nghe mấy đứa nhỏ nói em có về đi tìm nhưng không thấy đâu. Hóa ra là…”, mắt Hoàng tự dưng ướt nước, khi ngóng qua tôi kể vậy.

Tôi mượn cây guitar. Hát bản nhạc Cô láng giềng ngày trước vẫn thích. Đã ba mươi năm rồi, tự dưng mới hát lại. Giai điệu vẫn cứ như một dòng thác êm đềm và khắc khoải. Có thêm nỗi buồn và đau thấu nỗi đau của những đứa con trai phải rời xa hình bóng của mình.

Có lẽ không chỉ Hoàng.

***

Thành phố chiều ấy tôi về, lá bay. Chạy ngung ngoăng theo đường lớn, rẽ vô mấy hẻm nhỏ, tự dưng nghe tiếng xèo xèo bên vệ một con hẻm. Bánh xèo.

Quay xe trở lại nhưng chị ấy chưa kịp chan bột vô cái thau nhỏ, mới chỉ đổ dầu cho sôi. Tôi chạy dọc theo vài ngoằn ngoèo nữa, muốn tìm một quán chả giò quen trong con đường nhỏ đặt tên Duy Tân bên hông chiếc cầu lớn. Ở đó có cả bánh tôm được quây bằng bột khum khum lại như chiếc rổ, mà tôi thường nói đùa hai bàn tay chắp.

Hai chị em ngồi ngay đầu hẻm, không thấy bà già phúc hậu. Nhưng mẹt tỏi ớt chanh bày bán trước mặt và nụ cười xởi lởi khi thấy tôi, chợt nghĩ vậy chắc là yên.

- Sao, chưa bán hả cô?

- Dạ chưa. Nghe rục rà rục rịch nên nghỉ thêm mấy bữa.

- Cả nhà ổn không cô?

- Dạ ổn cả - Cô chị ngồi phía sau, đang lặt rau bữa tối thì phải, nhóng ra trả lời.

- Mơi mốt anh ghé chắc có - Cô em lại cười.

Tôi ừ, rồi quay xe dọc theo con hẻm chạy về. Qua mấy đường mấy sá. Cầu vượt vươn cao gió nhiều nên tôi chạy vòng nửa vòng xoay theo con đường chính. Gió lặn vào đêm, lạnh hơn. Người xe không ngớt vụt qua.

Phố đã lên đèn và phố không còn vắng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.