Phố "lạ", quản lý cũng lạ

24/07/2012 03:05 GMT+7

Người nước ngoài đến Việt Nam cư trú, kinh doanh, học tập... bao giờ cũng được hoan nghênh một khi chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật. Nhưng cái kiểu “chào đón” của các cơ quan chức năng ở Bình Dương mà Thanh Niên phản ánh trong bài Phố “lạ” ở Bình Dương thì quả thật là... lạ.

Người nước ngoài đến Việt Nam cư trú, kinh doanh, học tập... bao giờ cũng được hoan nghênh một khi chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật. Nhưng cái kiểu “chào đón” của các cơ quan chức năng ở Bình Dương mà Thanh Niên phản ánh trong bài Phố “lạ” ở Bình Dương thì quả thật là... lạ.

Theo người dân phản ánh, việc mất trật tự ở phố "lạ" tại thị xã Dĩ An thường xuyên diễn ra. Đơn cử như tình trạng người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp, thường tụ tập ăn nhậu, la hét, đánh bạc, mại dâm... thậm chí nghiêm trọng hơn còn có cả hành vi bắt cóc, đòi nợ thuê. Tệ nạn không còn là manh mún, nhưng khi bị kiểm tra, thì người Trung Quốc lại chốt cửa "cố thủ" bên trong các căn hộ, thế là cơ quan chức năng bất lực. Thế nên trong 6 tháng đầu năm 2012, Công an thị xã Dĩ An chỉ mới xử phạt được 37 trường hợp người nước ngoài (36 người Trung Quốc và 1 người Hàn Quốc) vi phạm về đăng ký tạm trú. Con số này còn quá ít so với tình hình thực tế.

Sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã gây ức chế và dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ người dân sinh sống ở khu vực này. Khi chúng tôi tiếp xúc để tìm hiểu về phố "lạ", một người dân ngụ tại Khu dân cư Hoàng Long, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An bức xúc nói: "Nhiều lần bị người Trung Quốc quậy phá, ức hiếp; báo cơ quan chức năng không giải quyết được nên chúng tôi tự động đáp trả bằng cách vây đánh cho bỏ tức".

Sự quản lý yếu kém còn thể hiện qua việc đùn đẩy trách nhiệm quản lý cho nhau. Công an thị xã Dĩ An cho rằng những người nước ngoài cư trú trên địa bàn hầu hết đang làm việc tại doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc mở nhà hàng, quán ăn... để kinh doanh; trách nhiệm quản lý thuộc về Sở LĐ-TB-XH. Sở này lại nói chỉ quản lý doanh nghiệp có 10 lao động (có tay nghề) trở lên, còn trách nhiệm "canh" những người này thì chưa biết ban ngành nào. Trên thực tế, việc quản lý người nước ngoài lao động, cư trú, kinh doanh... đều được phân cấp quản lý cụ thể cho từng ngành ở mỗi lĩnh vực khác nhau. Chính vì thế, khi "đổ" cho việc thiếu hành lang pháp lý về quản lý thì thật khó chấp nhận.

Ngay cả việc người Trung Quốc mở nhà hàng, quán ăn... để kinh doanh trong phố "lạ" cũng thể hiện sự buông lỏng quản lý. Theo một cán bộ QLTT Bình Dương, việc kinh doanh niêm yết giá ở các quán ăn Trung Quốc bằng ngoại tệ và tiếng nước ngoài là vi phạm quy định. Hành vi  này có thể bị xử phạt từ 20 đến 25 triệu đồng. Còn các biển hiệu viết bằng chữ Trung Quốc to hơn chữ Việt Nam cũng sai quy định. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề kiểm tra, xử lý thì cán bộ này lại nói: "Muốn kiểm tra phải có ý kiến của UBND cấp huyện thị trở lên và phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành".

Chuyện lạ trong kiểm tra và xử lý người nước ngoài cư trú và kinh doanh bất hợp pháp tại Bình Dương không phải là lần đầu. Dạo trước, cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra và phát hiện nhiều lao động Trung Quốc trên công trình xây dựng thủy lợi Phước Hòa (H.Phú Giáo) không có giấy phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhiều lao động Trung Quốc trốn vào trong rừng rồi sau đó tự rút về nước. Vào thời điểm đó, PV đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thì nhận được phản hồi: "Sự việc chưa đến mức nghiêm trọng nên để cho doanh nghiệp tự điều chỉnh".

Nếu không thay đổi kiểu quản lý rất “lạ” này, thì trong tương lai, không chỉ một mà chắc chắn rất nhiều phố “lạ” sẽ lại mọc lên.

Đỗ Trường

>> Phố “lạ” ở Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.