Số là vầy: Trong suốt học kỳ 1 vừa qua, dường như tuần nào lớp tôi cũng bị ban thi đua khen thưởng trừ điểm và phê bình trước toàn trường vì tình trạng lãng phí điện. Mặc dù tiết sinh hoạt lớp cuối tuần nào bao giờ cô chủ nhiệm cũng nhắc nhở vấn đề tắt điện chống lãng phí nhưng hầu hết các bạn không để tâm. Cô nhắc đầu giờ thì cuối giờ lại quên mất, không ai thực hiện. Rồi các tiết học thể dục, trải nghiệm ngoài trời hoặc tiết tin học, cả lớp di chuyển sang phòng thực hành cũng không một ai để tâm đến việc tắt điện, quạt và tivi. Cuối buổi, nghe tiếng trống tan học là ai nấy ra về, bỏ mặc chiếc quạt trần cứ quay vù vù và những chiếc bóng đèn điện sáng trưng trong không gian phòng học trống vắng.
Vào những ngày mùa đông lạnh giá, dù các bạn khoác áo ấm kín mít nhưng vẫn bật quạt hết công suất, khi bị nhắc nhở thì luôn miệng xuýt xoa: "Phê, tê, sướng". Rồi khi hè tới, mặc cho trời nắng nóng, các bạn vẫn bật bóng đèn điện… thả ga.
Để ngăn hiện tượng lãng phí và chấn chỉnh suy nghĩ lệch lạc "điện chùa" nên "cha chung không ai khóc", cô chủ nhiệm đề ra nhiều giải pháp nhưng không mấy hiệu quả nên đến một ngày cuối học kỳ một, cô đề xuất thêm ý tưởng bầu lớp phó quản điện. Quá hay và hợp lý.
"Vạn sự khởi đầu nan", mới đầu nghe cô nói về chức danh "lạ lẫm" lớp phó quản điện, bạn nào cũng cười ngặt nghẽo vì cái tên đó chưa từng xuất hiện trong môi trường giáo dục. Nhưng sau khi nghe cô giải thích ý nghĩa thì cả lớp tán đồng ý tưởng. Ai cũng hào hứng với cái chức vụ lớp phó rất "oai" và độc lạ ấy.
Vậy là kế hoạch phân công lớp phó quản điện nhanh chóng được thực hiện. Để tránh áp lực và phát huy tinh thần chia sẻ công việc chung, cô chỉ định mỗi thành viên sẽ làm lớp phó quản điện một tuần (lớp có 35 thành viên tương ứng với 35 tuần học). Tuy nhiên vì đã bước vào học kỳ hai của năm học nên chỉ có 18/35 bạn sẽ làm.
Cô tiến hành cho các bạn bốc thăm hai lượt. Lượt thứ nhất, chọn ra 18 bạn và lượt thứ hai, chọn thứ tự tuần làm việc ngẫu nhiên. Công việc của lớp phó quản điện là chủ động tắt quạt vào mùa đông; mở cửa, kéo rèm và tắt bóng đèn điện vào mùa hè; túc trực tắt công tắc quạt, điện khi mọi người ra khỏi phòng học, theo dõi và kịp thời nhắc nhở những thành viên có hành vi lãng phí điện. Quyền lợi của lớp phó quản điện là sẽ được miễn trực nhật lớp và lao động công ích. Chất lượng công việc sẽ được đánh giá theo tuần, tháng và cuối học kỳ, theo tiêu chí: làm tốt thì được khen thưởng (thỏi kẹo hoặc bút bi do cô tự mua); chưa tốt sẽ bị nhắc nhở và không tốt thì bị phạt trực nhật.
Từ ngày lớp tôi có thêm chức phó quản điện, ở lớp không còn tình trạng các bạn quên tắt quạt và bóng điện nữa, không khí lớp học rộn ràng hẳn lên. Mỗi tuần lại có lớp phó quản điện mới xuất hiện, cả lớp hồi hộp dõi theo thái độ và cách làm việc của "sếp" mới.
Và cũng không biết từ lúc nào vấn đề chống lãng phí điện trở thành đề tài chính trong các buổi học. Ý thức tự giác tiết kiệm điện của mỗi bạn cũng được nâng lên trông thấy, bằng chứng là nếu hôm nào lớp phó quản điện vắng học thì các bạn khác trong lớp sẽ làm thay công việc. Tuần nào lớp cũng nhận được mưa lời khen từ cô chủ nhiệm và ban thi đua nhà trường. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các thành viên trong tập thể lớp 7A nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tiết kiệm điện.
Tôi vui vì được là một thành viên của tập thể lớp 7A cùng cô giáo tràn đầy ý thức tiết kiệm và hạnh phúc trải nghiệm thêm công việc mới mỗi khi được giao ca. Và trên hành trình vào đời, mỗi bạn ở 7A sẽ nhớ mãi chức vụ mình từng đảm trách kỷ niệm thời đi học vô cùng cao cả và tự hào: Lớp phó quản điện.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)