Trước đó, HoREA đề xuất UBND TP.HCM xem lại phương thức tính bảng giá đất điều chỉnh. Do vậy, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với HoREA báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31.8.2024. Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Tài nguyên và Môi trường biết, thực hiện.
Theo HoREA, cách tính giá đất thực tế và đề xuất các mức giá của đơn vị tư vấn với một số tuyến đường ở nhiều quận, huyện tại TP đang lấy giá cũ theo Quyết định 02/2021 nhân với 5-6 lần để ra giá mới không có cơ sở rõ ràng. Bên cạnh tích hợp các hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), cơ quan soạn thảo còn bổ sung thêm một chỉ số điều chỉnh làm giá đất một số nơi tăng 10-20 lần so với hiện tại.
Điển hình, giá đất quận 1 ở tất cả tuyến đường đều xác định đồng loạt tăng 5 lần so với bảng giá đất cũ, giá đất quận 4 tăng 11,3 lần, quận 5 tăng 5,6 lần (trừ 2 tuyến đường Bãi Sậy và Đặng Thái Thân). Trong khi những huyện vùng ven lại tăng quá cao như huyện Hóc Môn có giá đất điều chỉnh dự kiến tăng 30-50 lần, huyện Bình Chánh tăng 20-30 lần. Giá đất tại các quận, huyện ngoại thành tăng quá cao đã khiến người dân tại đây muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn và cảm thấy không công bằng khi tỷ lệ tăng vượt mức tăng trung bình 7 lần của toàn TP.
Chính vì vậy, HoREA đề nghị xây dựng các mức giá đất trong bảng giá dựa trên việc tích hợp bảng giá đất và nhân với hệ số K trong trường hợp cần thiết. Đồng thời bổ sung giá đất của 570 tuyến đường mới để tính tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình tương đương như cách tính tiền sử dụng đất đã áp dụng từ luật Đất đai 2013 để cho người dân yên tâm. Bảng giá đất mới nên áp dụng từ ngày 1.1.2026 theo quy định tại luật Đất đai 2024.
Bởi theo quy định tại luật Đất đai 2024, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của luật Đất đai 2013 và cả hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định tại Nghị định 44 và Nghị định 45 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31.12.2025.
Chỉ đạo mới về bảng giá đất mới tại TP.HCM
Bình luận (0)