Phó thủ tướng: Chưa thấy ai bị kiểm điểm kỷ luật vì 'chậm'

Mai Hà
Mai Hà
07/11/2023 16:32 GMT+7

Nhận trách nhiệm quản lý lĩnh vực khi việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, hai từ được nhắc đến nhiều nhất là "chậm" và "chưa".

Dù không nhận được câu hỏi chất vấn trực tiếp, song Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vẫn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời "chia lửa" cho các bộ trưởng thuộc lĩnh vực quản lý tại phiên chiều 7.11.
Phó thủ tướng: Chưa thấy ai bị kiểm điểm kỷ luật vì 'chậm' - Ảnh 1.

Phần trả lời của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang được đại biểu Quốc hội đánh giá là đúng giờ và khúc chiết

GIA HÂN

Về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, qua báo cáo và ý kiến các đại biểu liên quan, có 2 từ được nhắc đến nhiều nhất là “chậm” và “chưa”. Ông đồng tình hoàn toàn với điều này. 

Song theo Phó thủ tướng, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo chứ không phải chỉ riêng Bộ Tư pháp. "Như đại biểu đoàn Bến Tre nói có 60% văn bản dưới luật được ban hành sau ngày luật được ban hành, chúng tôi xin nhận khuyết điểm rất lớn và cố gắng khắc phục thời gian tới", Phó thủ tướng nêu.

Dù vậy, Phó thủ tướng cũng đề nghị đại biểu chia sẻ, vì đại biểu mới đề cập đến việc chậm về số lượng, định lượng thời gian. Quan trọng hơn, phải xây dựng được những nghị định có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình nhưng tạo điều kiện thông thoáng. 

Mặt khác, một việc rất tốn kém thời gian là đánh giá tác động sau khi chính sách ra đời. Thời gian vừa qua, phải dồn hết sức để sửa các nghị định, thông tư đang có hiệu lực. Xét về thứ tự, việc này được ưu tiên nhiều hơn. "Chuyện đang rất vướng nên đâu đó lúc này, lúc khác lơ là hơn trong việc đáp ứng luật quy định",  Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Chưa thấy ai bị kiểm điểm kỷ luật vì 'chậm'

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng khẳng định thời gian qua, Chính phủ ứng phó việc này có tiến bộ hơn trước. Hàng tháng, Chính phủ có hội nghị chuyên đề về pháp luật. Thời gian tới, giải pháp là sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, công tác phối hợp tốt hơn, tham vấn thông tin sao cho tốt hơn…

Đặc biệt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chính các địa phương mới biết thế nào là tốt nhất cho mình. Luật có tính phổ quát, hợp lý chỗ này nhưng chưa chắc hợp lý chỗ khác; phân cấp gắn với cải cách thủ tục hành chính.

“Bí thư một tỉnh phía bắc đã nắm tay tôi cảm ơn chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình giao thông; phải trải qua 24 thủ tục hành chính mới được giải quyết”, Phó thủ tướng nêu.

Song theo ông, không phải không có những vướng mắc do vướng luật chuyên ngành. "Nếu không đồng bộ thì anh em không dám làm vì vướng xung đột về pháp lý. Phải cẩn trọng vì ở nơi này, nơi khác vẫn không muốn phân cấp.

Bên cạnh đó còn là lo lắng ở dưới có kham nổi hay không. Một chính sách cho phép chính quyền địa phương cấp huyện được chọn nguồn vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng ý kiến của nhiều địa phương lo lắng không biết kham nổi hay không. Giải pháp là phân cấp nhưng chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra, giám sát, tăng cường cải cách thủ tục hành chính…", Phó thủ tướng lưu ý.

"Nhiều việc đại biểu nói tôi mới biết"

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hành lang pháp lý cho một việc rất "nóng" hiện nay là khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. "Có rất nhiều người có trách nhiệm nhưng đang né tránh, đùn đẩy công việc", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề "bảo vệ" thì còn vướng với các quy định hiện hành. Về giải pháp, cho biết đây là vấn đề khó, ông cũng mong các đại biểu chia sẻ, đề xuất sửa đổi một số điều trong luật.

Phó thủ tướng: Chưa thấy ai bị kiểm điểm kỷ luật vì 'chậm' - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên chất vấn sáng 7.11

GIA HÂN

Đặc biệt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh tình trạng trong bất kỳ báo cáo, nghị quyết nào cũng có câu “việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. Câu chuyện này cho thấy cấp trên có trách nhiệm đi kiểm tra, giám sát kịp thời, chấn chỉnh vi phạm.

Ông cũng dẫn ra ví dụ câu chuyện 28 tỉ đồng của Yên Bái về chăm sóc, bảo vệ rừng, tháng 2, ông đã yêu cầu xử lý nhưng tháng 4, Bộ Tài chính mới có văn bản gửi Bộ NN-PTNT; ngày 28.6, Bộ NN-PTNT mới có văn bản trả lời và tới nay cũng chưa xử lý gì. 

"Nếu đại biểu không nói, tôi cũng không biết; chúng ta đang không có cơ chế, chính sách để kiểm soát việc này. Văn phòng Chính phủ có bộ phận theo dõi chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, nhưng cơ chế này cũng còn vấn đề. Nhiều việc đại biểu nói tôi mới biết", Phó thủ tướng nêu.

Cũng theo ông, một việc vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo rất hiệu quả là tổ chức 26 đoàn của 26 thành viên Chính phủ đi các địa phương xem vướng gì. Kết quả tổng hợp được 513 điểm vướng của các địa phương, đang cố gắng xử lý. Thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra vòng 2, song vấn đề là tới nay vẫn "chưa thấy ai bị kiểm điểm kỷ luật vì chậm chuyện này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.