Chiều 28.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm tiếp 2% thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) trong 6 tháng đầu năm 2025.
Đồng tình với việc giảm thuế VAT, song đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không nên giảm lắt nhắt 6 tháng. Ông dẫn việc năm ngoái Chính phủ trình giảm thuế VAT trong 6 tháng, đã có ý kiến đại biểu thắc mắc sao không xin giảm 1 năm.
"Chính phủ có đảm bảo sau 6 tháng sẽ không trình Quốc hội giảm thuế VAT 2% thêm? Đề nghị rà soát để không phải trình nhiều lần nữa", đại biểu Hòa nói và đề xuất Chính phủ rà soát thêm vì sao có doanh nghiệp được giảm VAT, có doanh nghiệp không được, để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp, ngành hàng.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) thì cho rằng, doanh nghiệp phần lớn quy mô nhỏ và vừa (chiếm 97%), do đó, việc giảm thuế VAT có hiệu quả rất lớn. Dù ngân sách giảm thu 26.000 tỉ đồng song "không thất thu" vì doanh nghiệp mạnh lên.
Giải trình ý kiến các đại biểu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết chưa kịp đánh giá tác động của chính sách với doanh nghiệp vì nghị quyết được xây dựng khá gấp khi kỳ họp Quốc hội bắt đầu.
"Thuế suất VAT của ta so với thế giới quá thấp. Thuế VAT của Trung Quốc và Ấn Độ là 17%, Israel 17%, châu Âu hơn 20%, Đan Mạch, Na Uy 25%, Pháp 20%... Tức là mức thuế VAT của ta chưa bằng một nửa", ông Phớc nói.
Ngân sách hụt thu 26.000 tỉ đồng
Bên cạnh đó, việc giảm thuế cũng xung đột với luật thuế VAT và dự toán ngân sách năm 2025 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua. Nếu giảm thu 2% VAT thì ngân sách 6 tháng giảm 26.000 tỉ đồng, các tỉnh, bộ, ngành phải nỗ lực đảm bảo dự toán ngân sách năm.
Do đó, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đề xuất giảm thuế VAT trong 6 tháng. Ngoài ra, năm 2025 sẽ chưa lường hết được khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu. Ví dụ như các thị trường xuất khẩu lớn có thể bị ảnh hưởng, nâng thuế nhập khẩu lên thì hàng hóa sẽ rất khó khăn.
Dù chia bình quân cho 1 triệu doanh nghiệp chỉ giảm được khoảng 30 triệu đồng/doanh nghiệp, "không thấm tháp gì", song theo Phó thủ tướng, đây cũng là sự động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
"Chúng tôi cũng buồn vì phải bàn về tình trạng giảm thuế. Quan trọng nhất là phải làm thế nào để doanh nghiệp ngày một giàu mạnh hơn, để ta không phải đi vay nước ngoài nữa, đây mới là mục tiêu. Việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào thuế, mà phải là cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đất, cấp phép, hỗ trợ tín dụng…", ông Phớc nói.
Thẩm tra về dự án nghị quyết giảm thuế VAT của Chính phủ, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết một số ý kiến không đồng tình với việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT.
Lý do chính sách giảm thuế VAT đã được ban hành và thực hiện từ năm 2022 trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây chỉ nên là giải pháp tình thế trong khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, khi đại dịch đã kết thúc một thời gian dài, các chính sách ưu đãi về thuế được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch cần được xem xét để thu hẹp diện áp dụng, từng bước ổn định lại việc thực hiện các chính sách về thuế.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT chưa được tính đến trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi ngân sách năm 2025.
Các nhóm hàng không được giảm gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bình luận (0)