Tại kỳ họp lần thứ 71 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức ở New York vừa qua, Phó thủ tướng Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi đã có bài phát biểu bằng tiếng Anh về chủ nghĩa khủng bố, Palestine và cuộc khủng hoảng di dân, theo Channel News Asia ngày 30.9.
Bài phát biểu này nhận được nhiều quan tâm của người dân Malaysia, không phải vì nội dung của nó mà là vì ông Zahid phát biểu bằng tiếng Anh nhưng với cách phát âm và ngữ điệu đặc chất địa phương.
Một số người chất vấn sao ông Zahid không chọn tiếng mẹ đẻ là tiếng Bahasa Malaysia để phát biểu mà lại đi nói tiếng Anh. Họ cho rằng việc ông Zahid nói tiếng Anh không tốt cũng giống như việc tự làm mất mặt mình tại Liên Hiệp Quốc.
Trang tin Vulcan Post (Singapore) ngay sau đó có bài chỉ ra ba bài học khi nói tiếng Anh sau khi xem Phó thủ tướng Malaysia phát biểu tại Liên Hiệp Quốc.
Ngày 29.9, Ngoại trưởng Malaysia, ông Anifah Aman đã lên tiếng bảo vệ Phó thủ tướng Zahid về bài phát biểu. Ông Anifah nói: "Thật đáng tiếc khi một số người dân Malaysia chỉ tập trung chỉ trích cách phát biểu của phó thủ tướng hơn là chú trọng những nội dung và thông điệp quan trọng mà ông đưa ra tại Liên Hiệp Quốc”.
Theo Ngoại trưởng Malaysia: “Liên Hiệp Quốc là một tổ chức rất đa dạng và hầu như lãnh đạo nào khi phát biểu cũng đều thể hiện giọng địa phương của quốc gia họ. Điều quan trọng hơn cả là thông điệp mà họ truyền tải đã được thấu hiểu và họ đã đem được quan điểm của mình đến tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc”.
Theo Channel News Asia, các đại diện Malaysia tại Liên Hiệp Quốc đều thường trình bày các bài phát biểu của mình bằng tiếng Anh. Malaysia vốn từng là thuộc địa của Anh nên tiếng Anh được sử dụng phổ biến ở khu vực thành thị nước này. Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ được giảng dạy tại các trường học trên toàn Malaysia.
Bình luận (0)