Phó thủ tướng: Nhiều cán bộ huyện, xã nhắn xin 'đừng giao cho em, là em đứt'

Mai Hà
Mai Hà
16/01/2024 13:35 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng phải phân cấp, phân quyền cho địa phương. Song cần lưu ý bây giờ phân cấp cho huyện, xã thì huyện xã có kham nổi hay không, 'khéo chúng ta lại mất cán bộ'.

Sáng 16.1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại tổ, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ dự thảo nghị quyết thể hiện các cơ chế mạnh mẽ chưa từng có và các cán bộ phải "làm ngày đêm". "Nên như Quốc hội bấm nút thông qua, cho dù có lựa chọn phương án nào, chúng tôi vẫn cho là thành công. Bởi 8 cơ chế trình đều khác với luật, vượt lên trên luật", Phó thủ tướng lưu ý.

Phó thủ tướng: Nhiều cán bộ huyện, xã nhắn xin 'đừng giao cho em, là em đứt'- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại thảo luận tổ sáng 16.1

C.T

Ông cũng nêu thực tế, 3 chương trình mục tiêu quốc gia tổng hợp từ rất nhiều chính sách, vấn đề, quy định nên cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau, "nếu không gỡ không làm được". Nếu thông qua nghị quyết cơ bản chỉ còn nợ một chuyện của chương trình phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì phải thay đổi chủ trương đầu tư nhưng làm chưa kịp...

Về 8 cơ chế Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong đó, có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có thể bổ sung thêm mặt trận tổ quốc.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng băn khoăn nếu "phân cấp cho huyện, xã có kham nổi hay không? Vì nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã về xin Phó thủ tướng đừng giao cho em, là em đứt", Phó thủ tướng chia sẻ.

Cho rằng "đâu đó cũng có sự phân vân nên phân cấp đến đâu", theo Phó thủ tướng, nguyên tắc phải có tính khả thi và anh em dưới phải làm được. Cho nên có thể có những điều mong muốn của đại biểu nhưng cân nhắc rất kỹ cũng chưa dám phân cấp.

Ông cũng dẫn chứng thực tế đi trình, đi xin nhưng không phải xin cái gì cũng được. "Mình về xin ba mẹ mình chưa chắc xin được hết. Cho nên có câu chuyện phải lựa cái gì được, cái gì không và người cho cũng lựa cái gì cho được cái gì không. Ví dụ liên quan ngân sách nhà nước cho dù một đồng cũng phải cực kỳ chặt chẽ và rất nhiều người đi về nơi xa lắm vì coi thường việc này", Phó thủ tướng nêu.

Dù vậy, không thể nói quản lý ngân sách "khó khăn quá nên mình buông luôn" mà phải có chừng mực.

Nếu không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã về xin Phó thủ tướng đừng giao cho em, là em đứt.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh 8 nội dung Chính phủ trình không phải cơ chế thí điểm mà là cơ chế đặc thù. Thí điểm là cho áp dụng phạm vi nhỏ sau đó rút kinh nghiệm, có thể mở rộng. Còn ở đây, chỉ thí điểm ở phương án thứ 7 liên quan lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024 - 2025.

"Giao mà anh em căng quá có khi là buông luôn. Thêm vào đó, hiện nay, HĐND cấp tỉnh rất linh hoạt, họp bất thường liên tục. Tôi không biết anh Châu (ông Lê Tiến Châu, Bí thư Hải Phòng - PV) họp mấy phiên bất thường. Trước đây, tôi mỗi tháng họp 1 phiên bất thường để kịp thời giải quyết các vấn đề", Phó thủ tướng nói.

Ông cũng cho rằng việc giao cho HĐND cấp tỉnh thì với cách nhìn bao quát của cấp tỉnh sẽ cân đối đầy đặn, hài hòa hơn giữa các địa phương. Nếu như giao cho huyện, có thể phân bì huyện này ít, huyện này nhiều...

Trước đó sáng 16.1, Chính phủ trình Quốc hội tờ trình dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ.

Việc này nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù, như Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách T.Ư hằng năm cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia.

HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách T.Ư hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.